Những giai điệu biển đảo: Bạch Long Vĩ đảo quê hương

29/06/2014 03:20 GMT+7

Lần hồi lật lại những làn âm thanh cũ, chợt bâng khuâng khó tả về một bài ca đã chiếm lĩnh tâm hồn cả một thế hệ thời đánh giặc, vừa sâu lắng thiết tha, vừa dạt dào hùng tráng. Ấy là Bạch Long Vĩ đảo quê hương.

>> Những giai điệu biển đảo: Thêm một lần 'Tổ quốc được sinh ra
>> Những giai điệu biển đảo - 'Lướt sóng ra khơi' và người nhạc sĩ của lính biển
>> Những giai điệu biển đảo - Chút thư tình người lính biển

Cảng cá Bạch Long Vĩ - Ảnh: Lưu Quang Phổ
Cảng cá Bạch Long Vĩ - Ảnh: Lưu Quang Phổ 

Hồi đánh Mỹ, khi Tổng thống L.Johnson bí nước bèn liều mạng cho đám giặc trời bay ra ném bom miền Bắc thì có lẽ chính ông ta cũng không ngờ đã biến miền Bắc từ hậu phương trở thành tiền tuyến, sát cánh với miền Nam, cả nước cùng đánh giặc. Và những hòn đảo lâu nay vốn yên bình như nét duyên thầm điểm xuyết nhan sắc biển Đông như Cồn Cỏ, Hòn Mê, Hòn Ngư, Bạch Long Vĩ… bỗng dưng vào vị trí tiền tiêu, tiền đồn của đất nước.

Thời ấy, có những lúc chả khác bây giờ, cả nước hướng về biển đảo, lo lắng ngại ngần cho Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ từng ngày từng giờ bị tơi tả trong bom đạn giặc, và mừng vui khi đảo vẫn trụ vững giữa biển khơi với dáng bất khuất hiên ngang. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã vượt sóng dữ lẫn bom đạn quân thù để đến với đảo xa và quân dân trên đảo.

Tôi chẳng hề nói quá, chả mấy ai những thập niên 1960 - 1970 lại không thuộc ca khúc Bạch Long Vĩ đảo quê hương, chí ít cũng dăm câu mở đầu. Nhà báo Xuân Ba có kể cho tôi nghe lần gặp nhạc sĩ Huy Du, tò mò hỏi ông rằng đứa con tinh thần khiến say đắm lòng người ấy ra đời như thế nào. Vị đại tá nghệ sĩ cười hiền và hé chút ít, đó là một buổi trưa trong chuyến thực tế sáng tác tại Bạch Long Vĩ năm 1966.  Mặc âm thanh xé tai của lũ F-105E thần sấm xoẹt qua đảo để mò vào đánh bom đất liền Hải Phòng, Quảng Ninh, ông liều chả muốn xuống hầm nữa... Dường như có gì đó khiến ông cứ day dứt lấn bấn từ lúc đặt chân lên cầu tàu, người chỉ huy đảo thân thiết nắm lấy tay vị nhạc sĩ tài hoa mà rằng “chiến sĩ chúng tôi nghe danh anh, hát bài hát của anh đã lâu. Lần này ra với chúng tôi, anh làm một bài hát về đảo Bạch Long Vĩ này đi”. Lời mời gọi đề nghị tha thiết quá, ông không nghỉ trưa nữa, ngồi bệt xuống gốc đa ở sân doanh trại hải quân và những giai điệu, ca từ của Bạch Long Vĩ đảo quê hương đã hình thành...

Những ai chưa một lần đến Bạch Long Vĩ vẫn có thể hình dung cái thế đất “đuôi rồng trắng” thân thương qua những lời ca rất đỗi ân tình: “Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Em đứng trên biển Đông, thôn xanh Phù Thủy Châu, mênh mông sóng bạc đầu, gió rì rào năm tháng. Bạch Long Vĩ đảo quê hương. Sóng vỗ bao tình thương, gió mang đi ngàn phương, quê hương đuôi rồng trắng, quê hương của hải bào. Tiếng hát em vang trời cao”. Giai điệu dìu dặt, nhẹ nhàng như lời người con gái nơi đảo xa gửi về lòng trai ở đất liền, thật trong sáng, hiền dịu mà chan chứa tự hào. Biển đảo Tổ quốc thật đẹp, nên thơ, nhưng cũng thật chắc khỏe, hùng tráng. Lời ca sau phút ân tình đã cất lên dồn dập, nhanh như nhịp hối hả của đoàn quân ra trận, của những con tàu phăng phăng rẽ sóng, của nòng súng quân dân trên đảo hiên ngang hướng thẳng vào mặt kẻ thù: “Từ ngày bộ đội ta lướt sóng về đây, tay nắm chặt tay quê ấm đường vui, áo lá rợp thôn sẵn sàng chiến đấu. Cát nóng mưa gào, bão táp không sờn, quyết chung một lòng giữ đảo quê hương, thiết tha tình thương. Chúng ta vùng lên chiến thắng giặc Mỹ, dâng cao ngọn cờ Tổ quốc đang mong chờ”.

Cứ thế lời ca điệu nhạc của Bạch Long Vĩ đảo quê hương thấm đậm tâm hồn con người đang dấn thân vào chiến trận gian lao, giục giã thanh niên ra đảo xa, đi chiến trường như giữa ngày hội lớn. Cùng với Cồn Cỏ hiên ngang nơi đầu sóng, Bạch Long Vĩ qua bài hát của nhạc sĩ Huy Du đã trở nên hết sức gần gũi trong tình quân dân gắn bó, mặn mà. Nghe bài hát của nhạc sĩ Huy Du, tôi lại thầm nhớ những kỷ niệm về hòn đảo quê hương. Đận những năm 1967 - 1968 máy bay Mỹ đánh đảo ác liệt lắm, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm dạo đó công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng viết một bài thơ khá xúc động về cô giáo Tô Cẩm Tú người Hoa tình nguyện ra đảo và anh dũng hy sinh trên đảo trong trận chiến với máy bay thù. Nhớ mãi những câu thơ: “Cổng trường Kiều Trung/Nhìn Tú dần xa bến Hải Phòng...”,  “Như chiếc én đưa thoi, Tú lao mình trong lửa/Truyền tin, tải đạn, cứu thương/Cô gái năm xưa e lệ giữa sân trường/Nay bỗng hóa phượng hoàng vỗ cánh”. Sau này tôi cứ băn khoăn sao TP.Hải Phòng lại không có con đường mang tên Tô Cẩm Tú nhỉ. Những năm 1978 - 1979, Trung Quốc trở mặt, đưa người sang len lỏi khắp nơi xúi giục người Hoa về cố quốc nhằm gây khó dễ cho VN. Người Hoa ở phố Trung Quốc nội thành bỏ đi gần hết. Riêng đảo Bạch Long Vĩ thì sạch trơn, nghe nói suốt mấy năm không có dân, chỉ còn mấy anh bộ đội. Mãi sau này Thành đoàn Hải Phòng tổ chức các đội TNXP và vận động được một số cặp thanh niên ra, từ đó đảo mới dần có tiếng trẻ bi bô. Hơn chục năm sau, theo đề nghị của T.Ư Đoàn, Bạch Long Vĩ được mang tên đảo Thanh niên. Cuộc sống hồi sinh từng ngày nơi huyện đảo nhưng chả biết mộ cô giáo Tô Cẩm Tú có còn?  

 Nhạc sĩ Huy Du
Nhạc sĩ Huy Du

Nhạc sĩ quân đội, đại tá Huy Du (1926 - 2007) quê ở H.Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng năm 1944, sáng tác từ thời kháng chiến chống Pháp và đặc biệt thành công trong những năm đánh Mỹ (giai đoạn 1962 - 1975), từng giữ chức Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều khóa liền, là đại biểu Quốc hội khóa 7 và 8; nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 năm 2000.

Những tác phẩm tiêu biểu: Tình em (phổ thơ Ngọc Sơn), Bế Văn Đàn sống mãi, Anh vẫn hành quân (phổ thơ Trần Hữu Thung), Đường chúng ta đi, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Bài ca đường 9 (cùng phổ thơ Xuân Sách), Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Nổi lửa lên em

Nguyễn Thông

>> Những giai điệu biển đảo: Bay qua biển Đông
>> Những giai điệu biển đảo: 'Tổ quốc nhìn từ biển
>> Những giai điệu biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa
>> Những giai điệu biển đảo: 'Gần lắm Trường Sa
>> Những giai điệu biển đảo: Biển hát chiều nay
>> Những giai điệu biển đảo - Tổ quốc gọi tên mình
>> Những giai điệu biển đảo - 'Nơi đảo xa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.