Tin tặc Trung Quốc dòm ngó Vòm Sắt của Israel

12/08/2014 05:40 GMT+7

Một nhóm tin tặc có thể liên quan đến quân đội Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp thông tin về hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel.

Một nhóm tin tặc có thể liên quan đến quân đội Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp thông tin về hệ thống phòng thủ Vòm Sắt của Israel.

Tin tặc Trung Quốc dòm ngó Vòm Sắt của Israel
Một dàn phóng thuộc hệ thống Vòm Sắt bắn tên lửa đánh chặn gần Tel Aviv - Ảnh: AFP

Ba tập đoàn quốc phòng Israel chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) đã bị tin tặc tấn công và đánh cắp một số lượng lớn tài liệu. Theo những chuyên gia an ninh mạng, thủ phạm có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí dính líu tới quân đội nước này.

Bàn tay của Đơn vị 61389 ?

Trang Krebs on Security của chuyên gia an ninh nổi tiếng Brian Krebs dẫn báo cáo điều tra của Công ty an ninh mạng CyberESI (có trụ sở tại bang Maryland, Mỹ) cho biết tin tặc đã xâm nhập hệ thống của 3 tập đoàn Elisra Group, Israel Aerospace Industries (IAI) và Rafael Advanced Defense Systems trong thời gian từ tháng 10.2011 đến tháng 8.2012. Phần lớn thông tin bị nhắm đến là “thông tin và thiết kế của tên lửa Arrow III, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và đặc biệt là tên lửa đánh chặn. Theo CyberESI, thông tin ban đầu cho thấy hơn 700 tài liệu đã bị đánh cắp và con số thực tế có thể còn cao hơn.

Hệ thống phòng thủ Vòm Sắt được Israel triển khai lần đầu tiên vào tháng 3.2011 và 1 tháng sau đó đã đánh chặn thành công rốc két đầu tiên từ Dải Gaza. Đó cũng là thời điểm những thư điện tử chứa mã độc đầu tiên được gửi tới các tập đoàn Israel. Theo CyberESI, các vụ tấn công “mang đậm dấu ấn của Đơn vị 61389”, đơn vị chiến tranh mạng khét tiếng được cho là thuộc biên chế Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) và có trụ sở tại Thượng Hải.

Tên tuổi Đơn vị 61389 được đề cập lần đầu tiên trong báo cáo của hãng bảo mật Mediant đưa ra hồi đầu năm ngoái. Đến nay, nhóm này liên tục bị cáo buộc đứng sau những vụ đánh cắp bí mật thương mại và quốc phòng quy mô lớn trên thế giới với mục tiêu lớn nhất là Mỹ. Trung Quốc thì liên tục bác bỏ mọi cáo buộc nước này liên quan đến tấn công tin tặc nhưng chưa chính thức phủ nhận sự tồn tại của Đơn vị 61389. Hồi tháng 5, Mỹ đã truy tố vắng mặt 5 quân nhân Trung Quốc bị cho là thành viên của đơn vị nói trên với cáo buộc tội danh tấn công mạng và gián điệp. Vụ này đã gây ra tranh cãi ngoại giao gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington.

 

Israel-Hamas tiếp tục ngừng bắn

Từ 0 giờ ngày 11.8 (giờ địa phương, tức 4 giờ sáng qua, giờ VN), lệnh ngừng bắn mới kéo dài 72 giờ giữa Israel và lực lượng Hamas tại Dải Gaza bắt đầu có hiệu lực nhằm tạo điều kiện để đàm phán. Trong ngày hôm qua chưa xảy ra vụ tấn công nào giữa hai bên và một phái đoàn Israel đã đến thủ đô Cairo của Ai Cập để thương thuyết với đại diện Hamas nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã khiến hơn 1.900 người Palestine và 67 người Israel thiệt mạng, theo AFP. Trước đó, nhiều thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn giữa hai bên đều nhanh chóng bị phá vỡ. Hồi tuần trước, Ai Cập cũng đã dàn xếp thành công một cuộc ngừng bắn 72 giờ giữa Israel và Hamas nhưng giao tranh lại xảy ra ngay khi thỏa thuận hết hiệu lực.

Theo Krebs on Security, các tập đoàn Israel đã lên tiếng phủ nhận hoặc giảm nhẹ tính nghiêm trọng của các thông tin trên. Chẳng hạn IAI tuyên bố chỉ có “hệ thống mạng văn phòng không bảo mật của họ bị xâm nhập” còn Rafael nói tập đoàn này “không nhớ đã bị tấn công”. Tuy nhiên, BBC dẫn nhiều nguồn tin khẳng định IAI thật sự đã bị đánh cắp dữ liệu nhạy cảm còn mạng của Rafael bị tấn công nghiêm trọng.

Mục tiêu hấp dẫn

Hệ thống Vòm Sắt của Israel được đánh giá là một trong những lá chắn tên lửa hiệu quả nhất thế giới hiện nay. Theo tạp chí The Diplomat, sự lợi hại của Vòm Sắt nằm ở chỗ ngoài tên lửa, lá chắn này còn có khả năng đánh chặn chính xác các rốc két tầm gần bay thấp và rất nhanh, vốn là thách thức cho các hệ thống phòng thủ khác. Ngoài ra, hệ thống radar tối tân cho phép xác định nhanh điểm đến của tên lửa hoặc rốc két tấn công. Nhờ đó, Vòm Sắt có thể phớt lờ những tên lửa hướng đến khu vực đồng không hoặc những địa điểm không quan trọng. Khi đã xác định được mục tiêu cụ thể, tỷ lệ đánh chặn thành công của Vòm Sắt cao đến 90%. Trong cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza, tỷ lệ này tương ứng là 86%.

Với những ưu điểm trên, Vòm Sắt là mục tiêu hấp dẫn cho những bên muốn nhanh chóng tăng cường hiện đại hóa năng lực quốc phòng một cách ít tốn công sức nhất. Reuters dẫn lời Uzi Rubin, từng là “kiến trúc sư trưởng” cho chương trình phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Israel, nhận định vụ 3 nhà thầu quân sự Israel bị xâm nhập phù hợp với mô hình hoạt động của các nhóm gián điệp mạng chuyên đánh cắp thông tin công nghiệp và quân sự trên thế giới. “Người Trung Quốc đang làm điều này với tất cả các nhà thầu quốc phòng ở phương Tây nên nếu các thông tin về Vòm Sắt là thật thì cũng không phải có mình Israel là mục tiêu của tin tặc”, ông nói. Theo ông, rất có thể Trung Quốc muốn nhanh chóng thu thập công nghệ quốc phòng hiện đại để tự phát triển khí tài cho riêng mình chứ không phải nhằm bán lại cho nước khác. “Nếu Bắc Kinh thực sự đứng sau vụ này thì có thể chúng ta sẽ thấy một Vòm Sắt Trung Quốc trong tương lai”, ông Rubin nói thêm. Đến nay, Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên.

Trùng Quang

>> Tin tặc Trung Quốc trộm thông tin về hệ thống tên lửa Israel
>> Tin tặc Trung Quốc thâm nhập hệ thống máy tinh chính phủ Mỹ
>> Chủ động ứng phó với các nhóm tin tặc Trung Quốc
>> Nhiều tình tiết mới vụ tin tặc Trung Quốc  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.