Trong bản Di chúc để lại trước lúc ra đi, Hồ Chủ tịch đã không quên căn dặn Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người vừa hồng vừa chuyên, kế thừa sự nghiệp xây dựng CNXH. Bác cũng nhắn nhủ “bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng, cần thiết”.
Thực tiễn 45 năm qua, quan điểm đó của Người vẫn được Đảng, Nhà nước vận dụng trong thực tiễn. Trong nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 7 (khóa X), Đảng tiếp tục khẳng định thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân tương lai của đất nước.
Chỉ đơn cử, trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn dành một nguồn lực rất lớn, cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, để chăm lo, đào tạo cho thế hệ trẻ. Không chỉ tập trung ở TP lớn, mà ngay cả vùng sâu, vùng xa cũng được đầu tư để đảm bảo công bằng về cơ hội học tập và phát triển cho thanh thiếu niên, cho thế hệ trẻ.
Tất nhiên, giữa chủ trương, chính sách với thực tiễn triển khai việc chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ vẫn còn có khoảng cách nhất định, khi vẫn còn nhiều thanh niên khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm; nơi vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên còn thiếu; trong công việc, đâu đó thanh niên vẫn còn chịu thành kiến về độ tuổi, chưa được tin tưởng giao phó công việc để có cơ hội rèn luyện, trưởng thành…
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, điều cần nhất mà Đảng, Nhà nước, xã hội có thể chăm lo, bồi dưỡng cho thanh niên, đó chính là tin tưởng, tạo môi trường, cơ hội cho thanh niên được rèn luyện, cống hiến, thử thách trong thực tiễn. Hãy giao việc cho thanh niên khó dần lên, giao việc kèm theo hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, lấy mức độ hoàn thành công việc được giao để nhận xét, đánh giá. Bên cạnh đó, cần quan tâm đáp ứng những nhu cầu cuộc sống cơ bản của thanh niên, về thu nhập, mức sống, về quyền học tập, quyền được giải trí… Nếu mỗi tổ dân phố, khu dân cư có nơi sinh hoạt chung, có sân chơi để giải trí lành mạnh thì chắc chắn sẽ giảm hẳn những hành vi tiêu cực, những suy nghĩ lệch lạc của thanh niên.
Nói như vậy không có nghĩa, rèn luyện thanh niên, bồi dưỡng thế hệ cách mạng thanh niên chỉ có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và xã hội. Bản thân thanh niên, thế hệ trẻ cũng phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm với bản thân mình, với cộng đồng, với đất nước; phải đặt ra mục tiêu và chủ động tìm cơ hội để được rèn luyện, được trải nghiệm để trưởng thành trong thực tiễn.
Tôi nhớ có lần, khi giới thiệu một thanh niên tốt nghiệp xuất sắc cho một vị bộ trưởng, câu đầu tiên bộ trưởng đó nói ngay là tại sao không để cậu ta làm ở doanh nghiệp, tại sao không để cho cậu ta rèn luyện trong thực tế trước khi muốn về bộ làm một nhà quản lý? Thực tế thì cậu thanh niên đó đang làm ở doanh nghiệp nhưng lại muốn xin về bộ. Qua đó để thấy, các cấp Đoàn, Hội cũng cần phải giúp thanh niên nhận thức lại cho đúng đắn, để xác định rõ một con người “vừa hồng vừa chuyên” thì không chỉ có kiến thức sách vở, mà cần phải xông pha vào thực tế, sẵn sàng cho những trải nghiệm trong thực tiễn để sớm được trưởng thành.
Việc thời gian vừa qua, nhiều chính sách được đề xuất từ một số bộ ngành vấp phải phản ứng của dư luận xã hội cũng xuất phát từ việc những người làm ra chính sách đó không có kinh nghiệm thực tiễn, chưa đủ trải nghiệm thực tế, nên khi đặt họ vào vị trí quản lý, họ mới đưa ra những chính sách không phù hợp thực tế, không tạo được đồng thuận trong xã hội. Đó cũng chính vì chúng ta chưa chú trọng tạo ra một môi trường rèn luyện, phấn đấu cho thanh niên và tạo cơ hội cho thanh niên được tôi luyện, thử thách trong thực tiễn.
Tuổi trẻ là độ tuổi cần thiết phải có nhiều trải nghiệm thật tốt, chưa nên vội nghĩ đến chuyện ngồi đút chân vào gầm bàn, mà nên vào phòng thí nghiệm, phải ra công trường để biết, làm cho ra một sản phẩm vất vả thế nào, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi gì ở mình. Có như vậy khi ngồi vào vị trí quản lý, anh từng trải qua công việc đó rồi, thì mới có thể quản lý tốt được. Có lẽ, lựa chọn nhân tài cũng phải bắt đầu từ những thử thách.
Bình luận (0)