Phải kiểm tra ngay việc xâm hại công trình tâm linh thời Lý

01/11/2014 04:35 GMT+7

Chỉ sau một ngày, Văn bản số 400/KCH ngày 29.10 của Viện Khảo cổ về việc xâm hại khu vực di tích tâm linh đặc biệt tại lô E khu vực khai quật khảo cổ học Vườn hồng, Hà Nội đã đến tay hầu khắp các đơn vị trong danh sách cần gửi.

Công trình tâm linh đặc biệt thời Lý  - Ảnh: Viện Hàn lâm khoa học xã hội
Công trình tâm linh đặc biệt thời Lý  - Ảnh: Viện Hàn lâm khoa học xã hội 

Phản ứng từ nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, khảo cổ, di sản nói chung là vô cùng ngạc nhiên, bức xúc vì đây không phải lần đầu tiên di sản bị xâm hại dù trước đó đã có cảnh báo và yêu cầu hợp tác.

Chỉ mới tháng 7 vừa rồi, Hội Khoa học lịch sử phải gửi kiến nghị lên Thủ tướng về việc các hố khảo cổ C, D của Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) ngập nước, tầng văn hóa bị xâm hại. Vậy mà giờ đây, Hội còn nhận thêm được văn bản về hiện trạng nguy hiểm của công trình tâm linh thời Lý quý giá mới xuất lộ. “Tôi đã nhận được văn bản của Viện Khảo cổ và đang xem xét nghiên cứu nên làm gì”, Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói.

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội, cũng vô cùng bức xúc. “Đã nói từ rất lâu rồi. Nói một cách lịch sự là người ta không thực hiện cam kết. Còn nói một cách rõ ràng là bội ước. Người ta cứ phá thì sẽ thế nào”, Giáo sư Ngọc nêu vấn đề. Ông Ngọc là người đã lên tiếng rất nhiều về việc các công trình tâm linh có nguy cơ hoặc đã bị xâm hại: cả ở đàn Xã Tắc, cả ở Hoàng thành Thăng Long.

Giáo sư Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản, nói: “Trước hết, phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Phải kiểm tra ngay việc thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo này. Thứ hai là, Viện Hàn lâm khoa học với tư cách được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích đó phải có cuộc họp gấp với Bộ VH-TT-DL và cơ quan liên quan, với các nhà khoa học. Họp để đưa ra các giải pháp giải quyết rõ ràng, minh bạch phạm vi bảo vệ mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Thủ tướng đã nói rất rõ, cái đó phải bảo tồn tại chỗ để tôn trọng di tích tâm linh thời Lý, lần đầu tiên phát hiện. Di tích đó là hiếm có từ trước đến nay mà thế giới cũng chưa có cái giống hệt. Cho nên phải làm rõ việc đó. Thậm chí cơ quan nào làm trái chỉ đạo của Thủ tướng phải kiểm điểm”.

Trinh Nguyễn

>> Công trình tâm linh đặc biệt thời Lý kêu cứu
>> TP.HCM kiến nghị phục hồi di tích chùa Hội Sơn
>> Nhiều tượng linh vật lạ trong các di tích ở Vĩnh Long
>> Di tích nào cũng đầy vật lạ
>> Di tích nhà Trần trở thành di tích quốc gia đặc biệt
>> Di tích khảo cổ Quá Giáng trước nguy cơ đe dọa sự tồn tại: Cứu những di tích khảo cổ
>> Biến di tích... thành nhà kho !

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.