|
Đó là pho tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara (còn gọi là Bồ tát Tara) được phát hiện vào năm 1978 tại khu di tích Phật viện Đồng Dương bởi những người rà tìm phế liệu.
Cả làng giữ tượng quý
Đến nay, sau nhiều năm được công nhận là bảo vật quốc gia, pho tượng vẫn chưa được ghép nối hoàn chỉnh do 2 phần hiện vật trên 2 tay vẫn chưa được trao trả.
Nhiều tài liệu chép rằng năm 875 vua Indravarman đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Tên của kinh đô mới là Indrapura được xây dựng trên mảnh đất của làng Đồng Dương ngày nay. Bức tượng nữ bồ tát được tìm thấy gắn liền với sự kiện vua Indravarman xây Phật viện và đền thờ. Mặc dù vào năm 1901, Louis Finot (một học giả người Pháp) và năm 1902, nhà khảo cổ H.Parmentier đã khai quật và tìm thấy hàng trăm hiện vật quý giá nhưng đến hơn 75 năm sau, tượng bồ tát mới được tìm thấy dưới độ sâu khoảng 3 m.
Theo cuốn Thông tin di sản Quảng Nam, bức tượng Bồ tát Laksmindra Lokesvara làm bằng đồng thau, cao 114 cm, được tìm thấy ở gần khu đền thờ chính khu Phật viện. Tượng đứng thẳng, tóc được búi lại thành hình chóp (jata), trên chóp chạm một tượng Phật A Di Đà. Gương mặt bồ tát nghiêm nghị, hơi thô, cung lông mày giao nhau, giữa trán có một urna (huệ nhãn) hình thoi... Theo đánh giá của nhà nghiên cứu J.Boisselier, pho tượng này không chỉ là tượng đồng lớn nhất của nghệ thuật Champa mà còn là một trong những tượng đồng quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Á, với niên đại được xác định vào khoảng giữa thế kỷ thứ 9.
|
Sau khi phát hiện, bức tượng được người làng Đồng Dương đem về cất giấu rất kỹ, xem đó như báu vật chung của cả làng. Tuy nhiên, vào năm 1981, hay tin trong làng đang giữ bức tượng quý giá này, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã ra quyết định thu hồi rồi đem đi trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP.Đà Nẵng cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, sau khi thu giữ pho tượng, người Đồng Dương đã phản đối vì nghĩ rằng cơ quan nhà nước đòi giữ bảo vật riêng của làng. Để người dân an lòng, ngành chức năng đưa hàng chục người dân ra Đà Nẵng xem pho tượng đang được trưng bày.
7 đời chủ tịch xã giữ hiện vật
Trước khi bức tượng được chuyển giao cho ngành chức năng, hơn 30 năm trước, 2 hiện vật trên hai tay pho tượng vị bồ tát đã bị một người dân bẻ mất. Sau khi thu hồi được, cả hai hiện vật này đã được UBND xã Bình Định Bắc lưu giữ và “chưa hẹn” ngày trao trả, ráp nối hoàn thiện. Nhiều đời chủ tịch xã Bình Định Bắc lưu giữ 2 hiện vật và bàn giao cho nhau, đưa vào cất tại một nơi bí mật. Họ xem đó như báu vật, đến mức chủ tịch xã nào “rời ghế” cũng phải chuyển lại nguyên vẹn 2 hiện vật đó nếu không muốn bị mang tiếng.
Cụ Trà Diếu (86 tuổi), một trong những người đầu tiên sờ vào bức tượng kể lại rằng khi mới đào được tượng, nhóm người đã khiêng về rồi báo cho dân làng biết. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo nhau đến xem. Bức tượng được tìm thấy ngay trong khu Phật viện ở tư thế nằm ngửa. “Hai hiện vật trên tay là hai đóa sen, trong đó tay phải tượng cầm sen búp, tay trái cầm sen nở. Một trong những người đào được đã bẻ mất 2 đóa sen này. Sau đó, ông Huỳnh Thế Công (chủ tịch xã thời đó) đã tịch thu 2 đóa sen rồi đem cất giữ đến nay”, cụ Diếu nói. Theo cụ Diếu, khi bức tượng vừa được đưa về, cụ thấy trên chân mày và xung quanh đôi mắt có ánh kim vàng. Trước khi được ngành chức năng chuyển đi, cụ Diếu đã dùng mũi rựa làm dấu vào bức tượng.
Ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc xác nhận hiện ông đang cất giữ 2 hiện vật nói trên ở một nơi bí mật và an toàn. Trước những đoán định về 2 hiện vật, ông Túc cho biết trên 2 tay tượng phật cầm một đóa sen và một quả cau trên chiếc đĩa được đúc liền nhau.
Khi chúng tôi đặt vấn đề được xem hiện vật, ông Túc lắc đầu từ chối ngay: “Tôi là đời chủ tịch thứ 7 tiếp nhận và phải cất giữ cẩn thận những hiện vật do các đời chủ tịch tiền nhiệm trao lại. Tôi nhận chức chủ tịch xã và cũng nhận luôn nhiệm vụ giữ 2 hiện vật này. Từ đó đến nay, cũng có nhiều người ngỏ ý muốn xem nhưng tôi không đồng ý. Chỉ có một vị giáo sư từ Hà Nội vào đã được xem 2 hiện vật. Tuy nhiên, khi ông này xin phép đúc sao y, tôi đã từ chối”.
Hỏi tại sao địa phương không hiến tặng hoặc bàn giao 2 hiện vật để bức tượng được hoàn chỉnh, ông Túc cho biết 2 hiện vật là báu vật và phải giữ lại Đồng Dương. “6 đời chủ tịch không dám bàn giao, thì đời chủ tịch thứ 7 như tôi và sau này chắc cũng không dám đâu”, ông Túc vẫn kiểu nói đầy bí ẩn.
Hoàng Sơn
>> Tượng Bồ tát Quan Thế Âm Avalokitesvara
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 24: Lỗ Ông Tướng
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 23: Đi tìm kho báu của vua Chăm Pa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 22: Thu phục cọp trắng, khai sơn dựng chùa
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 21: Mộ Bà Vua trong rừng cấm
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 20: Truyền thuyết Thiên Thai tự
Bình luận (0)