'Pao' – chuyện nhỏ mà thấm thía

12/12/2016 10:01 GMT+7

Phật dạy: Cái gì không phải của mình thì không được lấy!. Có lẽ nhờ thấm nhuần triết lý đạo Phật này mà người dân Campuchia trở nên đẹp hơn trong mắt du khách và trong chính cuộc sống của họ.

Pao – không phải là tên của cô gái H’ Mong trong phim “Chuyện của Pao” (Đạo diễn Ngô Quang Hải, 2006) mà là trò chơi dân gian của trẻ em Khmer ở Campuchia. Pao - giống hệt trò chơi “oẳn tù tì” ở Việt Nam. Oẳn tù tì thường được dùng để phân định ưu tiên trong các trò chơi con trẻ. Chỉ khác là trẻ em Khmer dùng Pao để “sắp xếp kinh doanh”.
Tôi vừa đưa đoàn anh em chơi tem cổ ở Sài Gòn đi một vòng xứ sở Chùa Tháp. Từ cố đô Sambor Preikuk (Kampong Thom) vào thế kỷ VI - VII đến di sản thế giới Preah Vihear. Từ thủ phủ của Khmer Đỏ ở Anlong Veng (thuộc tỉnh Oddar meancheay) đến cố đô Kulen và Dòng sông ngàn Linga vào thế kỷ IX - X. Từ quần thể Angkor đến cố đô Oudong (tỉnh Kampong Speu) đến Killing Field - Cánh đồng chết (tỉnh Kandal)… với nhiều ngạc nhiên kỳ thú. Nhưng ấn tượng nhất của đoàn là những đứa trẻ ở núi Kulen.
Du khách đến núi Kulen thường viếng Bàn chân thần xây đền Angkor và chùa Paang Thom, còn gọi là chùa Phật lớn. Chùa nằm trên khối đá khổng lồ cao 17m, khách phải để giày dép bên dưới để lên lễ Phật. Ngoài giờ học, trẻ con trên núi thường xin đi theo giữ giày dép, đồ đạc cho khách. Bù lại, khách cho các em ít tiền tùy hỉ để mua sách vở. Vừa xuống xe là các em ào tới, xin đi theo. Anh Trần Văn Bùi, trưởng lão của đoàn ái ngại: “Đông quá, làm sao biết chọn đứa nào?”. Yên tâm, các em sẽ Pao. “Pao là gì?”. Rồi sẽ hiểu. Tôi biết chuyện này từ mấy năm nay, nên đồng ý.
Cả nhóm chia thành mấy tốp để Pao (oẳn tù tì) và loại dần rồi chung kết để chọn em duy nhất theo đoàn. Chiến thắng lần này là bé Vich Chka, 9 tuổi, học lớp 2, nhỏ bé nhất trong nhóm. Trẻ con Khmer thường suy dinh dưỡng. Chka theo đoàn, các em khác lại chờ đoàn khác và cứ Pao để xác định ai được chọn. Tuyệt nhiên không có chuyện ăn gian, lớn ăn hiếp bé hay cãi cọ thường gặp trong các trò chơi trẻ con ở Việt Nam. Cũng không thấy chuyện tranh giành hoặc can thiệp của người lớn. Một sự minh bạch và công bằng đến kinh ngạc. Trẻ con Khmer được giáo dục từ nhỏ như vậy.
Lại nhớ chuyện cách đây hơn 5 năm ở bãi biển Ochheuteau (thành phố Sihanuok). Đang tổ chức trò chơi bãi biển cho khách thì thấy từ xa, người nhấp nhô như đi biểu tình. Tới gần thì thấy toàn trẻ em, có cả cảnh sát đi theo. Hỏi ra mới biết các em đi lượm rác vào sáng chủ nhật.
-Bãi biển đã sạch vì có xe quét rác hàng ngày mà? - tôi hỏi em lớn nhất, chừng 14 - 15 tuổi.
- Xe rác chỉ gom rác lớn, còn rác nhỏ vẫn lẫn trong cát.
- Ai bảo các con làm vậy?.
-Chẳng ai bảo. Tụi con nhặt rác cho bờ biển sạch hơn để khách tới đông hơn và tụi con sẽ bán được nhiều hàng hơn.
Anh cảnh sát đi cùng cho biết, các em đều bán hàng rong bãi biển. Các em tự rủ nhau nhặt rác chứ chẳng ai gợi ý. Ban đầu chỉ mấy em, sau tăng dần lên vài chục. Tôi theo các em, vừa lượm rác vừa trò chuyện; vui như trúng số vì bài học lý thú từ các bạn nhỏ.
Dọc quốc lộ 6, đoạn từ Siem Reap về Phnom Penh có hàng chục cây cầu đá ong cổ. Gặp cầu, là đường quốc lộ uốn cong để bảo tồn. Lạ là cầu cổ bảo tồn mà không có hàng rào che chắn. Cũng không có bảng cảnh báo hay cấm xâm hại. Vậy mà mấy trăm năm vẫn không mất một viên đá nào, dù quanh vùng không có núi. Dù dân rất cần đá để làm móng cột nhà và nhiều công dụng khác. Đem chuyện hỏi mấy người già, họ cười sảng khoái: “Có gì lạ đâu. Phật dạy: Cái gì không phải của mình thì không được lấy!”. Câu trả lời nhẹ tênh mà thấm thía.
Nhiều xứ khác cũng theo đạo Phật, thậm chí cuồng tín hơn, chùa chiền bề thế khắp chốn mà có làm được vậy đâu. Hèn gì ở Campuchia, gia cầm gia súc cứ thả rông mà không sợ mất trộm. Hèn gì lúa thu hoạch cứ phơi tự nhiên ngoài ruộng mà không sợ mất cắp. Xe hơi đầy đường mà không có nạn bẻ gương, gỡ mâm, tháo bánh… Nghe nói vẫn có nạn trộm cắp cả xe, chứ không lấy cắp phụ tùng vặt vãnh.
Còn nhiều chuyện nhỏ mà thú vị khác, nhưng cả đoàn thích và thấm thía nhất chuyện Pao của trẻ con ở núi Kulen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.