Phá án trên mạng: Truy tìm tin tặc Facebook

13/08/2016 06:00 GMT+7

Ngày 16.6.2014, C50 nhận được đơn của chị P. về việc “không biết tài khoản Facebook của mình” bị đánh cắp nên bạn chị, tên M. bị kẻ xấu giả danh chị lừa đảo trót lọt 61 thẻ cào điện thoại mệnh giá 500.000 đồng, tổng giá trị 30,5 triệu đồng.

Khi các trinh sát của C50 vào cuộc, chị M. đã cung cấp toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện và thông tin thẻ cào đã gửi cho đối tượng qua mạng. Ngoài ra, chị M. cho biết sau khi gửi thẻ cào, chị nhận được tin nhắn từ số thuê bao lạ giả mạo là ngân hàng, thông báo tài khoản của chị vừa nhận được 2.000 USD từ một tài khoản Visa quốc tế. Lúc này, chị nghi ngờ bị lừa nên gọi vào số máy trên nhưng không liên lạc được.
Nhờ mua thẻ cào chiếm đoạt tiền tỉ


Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt thẻ cào qua mạng và hành vi mua tiền ảo có nguồn gốc chiếm đoạt, các nghi can gồm Hoàng Triệu Ánh Dương, Lê Văn Lương, Hoàng Gia Quốc và Võ Minh Hùng đã có dấu hiệu phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản và tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hiện các bị can đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Theo các trinh sát, thủ đoạn của nghi phạm là hack Facebook, sau đó đọc kỹ toàn bộ câu chuyện với những người thân và xem cách nói chuyện đó như thế nào để “giả bộ” cho giống nhau. Đặc biệt, đối tượng thường lừa những người thân ở nước ngoài để nhờ mua thẻ cào. Có những vụ án nhờ mua 1,7 tỉ đồng thẻ cào, vì tưởng người quen cần nên họ sẵn sàng giúp đỡ.
Khi làm việc với nhà cung cấp dịch vụ, trinh sát phát hiện chi tiết quan trọng là toàn bộ thẻ cào bị chiếm đoạt đều nạp vào 2 ví điện tử qua website thecaosieure.com quản lý bởi một đại lý cung cấp cổng thanh toán điện tử của VNPT. Tức website này mua lại các thẻ cào giá rẻ, sau đó thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng cho khách. Ngoài ra, có một ví điện tử khác cũng đã nạp 20 mã thẻ cào chiếm đoạt được của chị M., sau đó dòng tiền được chuyển đến tài khoản của một người tên Hùng. Ví điện tử này có khoảng 900 giao dịch, chủ yếu là giao dịch nạp tiền từ các thẻ cào điện thoại với tổng số tiền 170 triệu đồng.
Ngay sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định có 4 đối tượng ở tỉnh Quảng Trị chuyên thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn nói trên với quy mô và số lượng lớn. Làm việc với Hoàng Triệu Ánh Dương, ngụ Quảng Trị, là em trai của người có chủ tài khoản nhận tiền từ một số ví điện tử nạp thẻ cào chiếm đoạt của chị M., trước những bằng chứng không thể chối cãi Dương đã phải cúi đầu thừa nhận hành vi phạm pháp.
Dương khai học cách hack các tài khoản Facebook trên mạng, sau đó chỉ cho đối tượng khác gồm Tiến Anh, Xuân Duy, Hoàng Anh, Phan Hiền cách hack và dùng các tài khoản đã hack được để lừa đảo bạn bè trong danh sách tài khoản Facebook nhờ mua thẻ cào điện thoại. Khi có các mã thẻ cào, Dương nạp vào ví điện tử, lúc này giá trị thẻ cào được chuyển thành tiền ảo trong ví điện tử. Số tiền ảo trong ví điện tử sẽ được chuyển thành tiền mặt bằng 2 cách. Cụ thể, Võ Minh Hùng (ngụ Quảng Trị) chủ động gặp mặt và đặt vấn đề mua lại số tiền ảo khi Dương và các đối tượng chiếm đoạt được. Sau khi Dương đã chuyển tiền ảo vào ví điện tử của Hùng, Hùng sẽ gặp trực tiếp để trả tiền cho Dương 75% giá trị thẻ cào. Trinh sát cho hay các ví điện tử của Hùng có hàng nghìn giao dịch với giá trị 2,8 tỉ đồng. Nhưng y đã nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương khi “thấy động”.
Cách thứ hai là tiền trong ví điện tử được chuyển trực tiếp qua các tài khoản ngân hàng của đối tượng hoặc đối tượng mượn tài khoản ngân hàng của người khác. Theo thống kê của C50, tổng số tiền Dương và các đối tượng còn lại đã nạp và chiếm đoạt qua ví điện tử khoảng 160 triệu đồng.
Khuyến cáo cho người chơi facebook
Liên quan trong chuyên án này, các trinh sát còn phát hiện rất nhiều đối tượng “có vấn đề” nhưng vì chưa xác định được địa chỉ hoặc chúng bỏ trốn khỏi địa phương nên chưa thể lấy lời khai, trong khi các tài khoản nghi vấn có tổng giao dịch lên đến vài tỉ đồng.
Theo thiếu tá Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng 2 (C50), với loại án này, khó khăn nhất của cơ quan điều tra là phải phân tích từng mã số thẻ xem đường đi vào đâu, ai lừa, lừa ai. Có những lúc đối tượng khai nhận có hành vi hack Facebook để lừa nhưng lại không biết và không nhớ mình lừa ai. Thậm chí, “hành trình” lên Facebook tìm kiếm bị hại của các trinh sát cũng không dễ dàng, vì bị hại không biết trình báo ở đâu, với ai. Tuy nhiên, “kịch bản chung” của bọn lừa đảo thì giống nhau. Thiếu tá Hải khuyến cáo: Hiện nay các đối tượng hay hack Facebook bằng cách gửi đường link giả, khi người dùng kích vào thì buộc phải đăng nhập lại tài khoản Facebook của mình. Lúc người dùng đăng nhập thành công cũng là lúc đối tượng đã biết được mật khẩu và tài khoản Facebook của chủ tài khoản và bắt đầu thực hiện hành vi nhờ mua thẻ cào. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn đoán mật khẩu Facebook bằng một số thông tin công khai như ngày sinh, họ tên... Vì vậy, những ai sử dụng Facebook không nên kích vào các đường link lạ được gửi bằng tin nhắn và không đặt mật khẩu bằng những thông tin dễ nhận biết như tên, ngày tháng năm sinh của mình...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.