Phải biết quý từng đồng bạc lẻ!

07/04/2022 09:18 GMT+7

Trước đại dịch, mỗi ngày Hội An đón từ 3.000 đến 4.000 khách du lịch . Vào những ngày lễ hay dịp festival, các đêm “Phố cổ không có tiếng động cơ”, Hội An cháy phòng nghỉ.

Đó là chưa kể đến khách ba lô, khách Tàu. Người Hội An ăn nên làm ra. Nhiều người có tiền từ các nơi đến thuê nhà mở cửa hàng, mua hẳn những ngôi nhà cổ, dọn đến ở để kinh doanh lâu dài…

Đoàn du khách Mỹ đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng tại TP.Hội An (Quảng Nam) chiều 5.4, kể từ khi Chính phủ chính thức mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15.3 sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

C.X

Lúc đó đã có những ý kiến lo lắng: Người ở các vùng miền khác đến kinh doanh ở Hội An đã gây một số ảnh hưởng nào đó đến nếp sống “nhân tình thuần hậu” của phố cổ qua cung cách mua bán, qua cách ứng xử vốn xa lạ với cái “bảo tàng sống” ở Hội An. Lại có những ý kiến khác: cư dân cơ học và khách ba lô đã tác động đến môi trường sống và môi trường tự nhiên của một đô thị cổ vốn đang chịu tác động bởi nhiều áp lực tự nhiên và xã hội…

Hơn hai năm đại dịch, Hội An đã bắt đầu nhận thức lại cách làm du lịch mới, nhấn mạnh đến khái niệm “du lịch xanh”, như một mục tiêu sống còn. Du lịch xanh không chỉ là giải quyết bài toán rác thải, bao ni lông mà còn là hướng tới việc bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc hàng trăm năm, bảo vệ môi trường tự nhiên, hướng du khách đến một nhận thức cùng chia sẻ các giá trị của một đô thị - bảo tàng sống - nếp sống của cư dân bản địa…

Từ ngày 4.4 qua, một đoàn du khách Mỹ chỉ 100 người vừa đến thăm đô thị cổ Hội An, thăm các làng nghề gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế vừa được công nhận là di sản quốc gia, đi xích lô quanh phố, ngồi thuyền trên sông Hoài và thăm thánh địa Mỹ Sơn. Nếu so sánh với con số 3.000 - 4.000 du khách trước đây, đó chỉ là một con số bé nhỏ. Nhưng từ người dân ở phố, các anh chị hướng dẫn viên cho đến các cán bộ ở cơ quan văn hóa du lịch thành phố lẫn giám đốc một số công ty lữ hành, người đạp xích lô, bán hàng rong, những người thợ gốm Thanh Hà, chúng ta thấy ai cũng hồ hởi, phấn chấn. Chủ tịch thành phố Hội An từ 15.4 cũng bắt đầu mở trang xã hội fanpage Hội An để giao tiếp thẳng với người dân, du khách; một động thái rất mới bắt đầu cho sắc thái tích cực. Tôi nghĩ trong khái niệm “du lịch xanh”, người quản lý đô thị cũng phải “xanh” để kịp thời xử lý, điều chỉnh mọi hành vi của cư dân, để giữ cho được mối nhân tình thuần hậu, như một bản sắc của đô thị cổ.

Một trăm du khách đến từ Mỹ, mà theo họ là đã đăng ký từ lâu để đến Hội An nhưng do đại dịch phải hoãn lại, đến nay, sau khi Việt nam đã chấp nhận hộ chiếu vắc xin với 13 nước, trong đó có Mỹ, nên họ không thể chần chừ. Trên các trang thông tin từ Hội An, nay cũng có đến hàng chục tờ báo du lịch trên thế giới bắt tay vào việc giới thiệu Hội An với khách hàng của họ.

Giám đốc công ty lữ hành Indochina Unique Tourist, ông Nguyễn Sơn Thủy, một người con của Hội An cũng vui mừng “đến rớt nước mắt” khi đón đoàn khách đầu tiên từ Huế đến Đà Nẵng rồi Hội An sau 2 năm đại dịch. Ông Thủy cũng báo tin vui là từ ngày 5.5.2022, hãng bay Air Asia bắt đầu đưa khách từ Bangkok đến Đà Nẵng, Hội An. Một không khí vui mừng đang đến với du lịch miền Trung nói chung và Hội An nói riêng…

Vậy đó, sau đại dịch, nếu “từng đồng bạc lẻ cũng rất quý” như cách nói dân gian, thì với du lịch, những đoàn khách lẻ đầu tiên sẽ là những cánh chim báo hiệu một làn gió mới! nên càng phải trân quý!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.