Tháng nào cũng gửi đồ lên thành phố
“Nửa đêm, mẹ nhắn: “nhận hàng chưa con?”. Choáng! cả thùng hàng to bự chảng gửi từ quê vào. Nào là ớt xanh, khế chua, đọt bí, mồng tơi và cả gần 10kg cá đủ các loại. Mẹ nói: “Ớt, khế, rau là trong vườn nhà mình trồng đó nha con”. Mở bịch rau ra thấy mà thương, đọt bí đã được lặt sạch sẽ, mồng tơi, cải cũng được nhặt đâu ra đó, bỏ vào từng bịch gọn gàng. Chưa hết sung sướng, mẹ “bồi” tiếp: “Riêng cá là câu từ thuyền mới vào. Đảm bảo tươi ngon. Mẹ cũng cắt ra, rửa sạch, cho vào từng túi, cứ thế con lấy ra mà nấu”. Dịch giã kiểu này thì đúng là ngon nhất quả đất rồi nhỉ? Cảm ơn mẹ thật nhiều”, một dân mạng chia sẻ trên trang cá nhân Facebook.
|
Những lời chia sẻ trên khiến nhiều người xa quê bám trụ lại thành phố mưu sinh không khỏi ngậm ngùi. Anh N.H.M.K ( quê Đồng Tháp, hiện ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mỗi lần anh về quê, gia đình luôn gói ghém đồ gửi cho anh mang theo. Thường là trái cây ở quê, nem, chả đặc sản và những món ăn có thể trữ trong tủ lạnh (đồ kho, đồ chua…).
|
Còn khi anh không về, ba mẹ gửi đồ nhờ người quen đem lên hoặc gửi xe khách. Nếu gửi xe thì hạn chế những đồ dễ hư hỏng vì nhiệt độ dưới hầm xe nóng, va chạm trong quá trình bốc xếp. Anh K. chia sẻ tầm một tháng gia đình anh sẽ gửi một lần và sẽ nhắn trước vì sợ anh bận việc không tiện nhận hàng. Anh không giỏi nấu ăn nên mẹ anh gửi đồ chế biến sẵn để không phải tốn công nấu nướng.
|
Mỗi lần nhận được quà anh K. đều cảm thấy rất vui vì món nhà gửi luôn là những món ăn hợp khẩu vị. Đối với anh, thành phố có những món ăn sang trọng, nhiều tiền nhưng nhiều khi ăn vậy chứ không thấy quá ngon.
Chị Văn Thị Ngọc Diễm (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ khoảng 2 tuần mẹ chị sẽ gọi điện thoại để gửi hàng. Từ lúc còn học đại học, vì xa nhà và thuê trọ tốn kém nên những thùng hàng được gửi từ quê giúp chị bớt khó khăn hơn. “Được nấu những món ăn từ những thực phẩm ở quê vừa tươi ngon, vừa bổ dưỡng thì không gì sung sướng bằng”, chị chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp và đi làm, chị Diễm lại không có nhiều thời gian để đi chợ mỗi ngày. Nhờ có đồ ăn được gửi từ quê, mỗi ngày về nhà chỉ cần mở tủ lạnh ra là chị có đồ sẵn để nấu. Chị tâm sự không những chị vui mà ba mẹ ở quê cũng rất vui vì biết con được ăn uống đầy đủ.
Người ở quê ‘giàu’... tình cảm
Thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về những món “quà quê” được gia đình gửi vào Sài Gòn, chị Ngô Thị Nhàn (quê Lâm Đồng) cho hay mỗi tháng chị nhận hàng đến 2 - 3 lần. “Ngày nào, mình và bố mẹ và các em ở nhà cũng video call nên ở nhà sẽ biết mình xài hết đồ chưa, hết đồ gia đình mới gửi để cho tươi ngon. Gửi nhà xe xong thì mọi người lại báo cho mình biết để sắp xếp nhận đồ”, chị nói.
|
Hiện tại vì dịch Covid-19, chị Nhàn tạm thời không nhận đồ ăn ở nhà gửi vì Lâm Đồng dừng tất cả xe khách đến từ TP.HCM. Chị cho biết những loại đồ ăn như rau củ, trái cây, mật ong, gà, cá… mà nhà gửi lên đều là “của nhà trồng được”, mọi người tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng và sau đó còn sơ chế sạch sẽ sẵn trước khi gửi.
|
Đối với chị, không phải vì người ở quê giàu hơn người thành phố theo nghĩa vật chất mà là giàu hơn về tình cảm gia đình. Ba mẹ là những người luôn dành phần ngon, lành nhất cho người ở xa, nơi phố thị - nơi họ cho là chi tiêu đắt đỏ hơn, làm việc căng thẳng hơn...
Cùng chung suy nghĩ, anh K. chia sẻ cảm thấy việc nhiều người cho rằng người ở quê giàu hơn người ở thành phố là đúng, nhưng “giàu” ở đây không phải là giàu về tiền bạc, mà là sự phong phú về thực phẩm ở quê. Anh giải thích đồ ở quê cái gì cũng tươi ngon, không có nhiều hóa chất, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Rau vườn, gà nhà, cá nuôi… mọi thứ đều tự nhiên nên ăn uống cũng an tâm hơn.
“Bản thân mình nếu được ăn các món ăn này suốt thì mình cũng chấp nhận người ta nói là... giàu. Đồ nhà gửi lên vừa ăn ngon mà vừa cảm nhận được tình cảm của cha mẹ trong đó. Như kiểu chỉ cần nếm một hương vị quen thuộc thôi là mình cảm tưởng như đang ở quê vậy. Tại vì có những món chỉ có ở quê mới có, ở Sài Gòn không kiếm ra được”, anh bộc bạch.
Bình luận (0)