TP.HCM bùng phát dịch Covid-19: Ngàn người căng mình bám chốt, ‘ngất xỉu vẫn xung phong làm tiếp'

11/06/2021 12:14 GMT+7

Hàng ngàn tình nguyện viên, nhân viên chống dịch ở TP.HCM những ngày qua vẫn miệt mài hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác chống dịch Covid-19 . Họ nói rằng mình không sợ dịch Covid-19, chỉ sợ chưa cống hiến hết được sức trẻ của mình.

“Công ty vừa cho nghỉ 4 ngày, đi chống dịch luôn…”

Mấy ngày trước chiều mưa tầm tã, chị Ngô Thị Minh Thu (24 tuổi, ngụ Q.8) ngồi nép vào mái hiên nhà người dân đối diện hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) phong tỏa nhiều ngày qua (hôm qua thì hẻm được dỡ phong tỏa). Trời nặng hạt nên người tiếp tế nhu yếu phẩm vào trong thưa hẳn, chị tranh thủ chia sẻ về ngày đầu tiên trực chốt của mình.
Chị Thu kể hơn 4 ngày trước, công ty của chị cho nhân viên tạm thời nghỉ 4 ngày vì dịch Covid-19. Thấy vậy, chị lập tức đăng ký tình nguyện hỗ trợ chống dịch.
“Trước khi đăng ký, tôi có nói với gia đình. Bất ngờ là ba mẹ không phản đối mà còn nói: “Ừ! Đi đi con, tốt mà”. Vậy là tôi có thêm động lực để làm công việc này. Tôi nghĩ mình còn trẻ và còn nhiều thời gian nên cứ cống hiến thôi. Tôi tin những tình nguyện viên như mình đã đăng ký đi thì không sợ dịch đâu, chỉ sợ không làm tốt nhiệm vụ của mình, không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc”, chị tâm sự.

Trưa 11.6: TP.HCM thêm 18 ca Covid-19, đã ghi nhận tổng cộng 900 bệnh nhân

Những ngày đầu trở thành tình nguyện viên, chị được phân công tới Trạm Y tế P.3, Q.Gò Vấp làm: nhập liệu thông tin về những trường hợp F1, F2 trình lên UBND P.3. Chị tự hào vì điều đó giúp cho các cán bộ y tế yên tâm thực hiện các công việc chuyên môn như lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra y tế.

Chị Ngô Thị Minh Thu (24 tuổi, ngụ Q.8) khoe những phần quà được người dân tặng trong ngày đầu tiên trực chốt ở hẻm 415 đường Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp)

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Thu tâm sự thêm: “Ngày đầu tôi ra trực một chốt phong tỏa, nhưng không thấy sợ hay hồi hộp. Trước đó tôi cũng tiếp xúc với nhiều F1, F2 nên đã vững hơn rồi, chỉ cần tuân thủ tốt việc phòng dịch là không sao. Sau khi xong nhiệm vụ, chúng tôi được khử khuẩn kỹ lắm. Về tới nhà là phi thẳng vô nhà vệ sinh tắm rửa, giặt đồ riêng".
Mới trực tại đây vài tiếng đồng hồ, nhưng chị nói mình có nhiều câu chuyện để kể. Ấn tượng nhất với chị Thu chính là tình cảm mà người dân sống trong khu cách ly dành cho mình.
 ‘Chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc’

Chị Mai Vàng (29 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) đang làm giáo viên tại một trường cấp 3 ở TP.HCM cũng xung phong đi chống dịch

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chưa dứt lời, có một người phụ nữ mang đến một túi thực phẩm để tiếp tế vào bên trong. Khi được hỏi: “Cái này giao làm sao đây cô?”, chị nhiệt tình hướng dẫn người này khử khuẩn rồi để đồ lên bàn tiếp nhận. Lát sau, một người bên trong hẻm ra nhận đồ, thấy chị,  anh này liền nói: “Chị cứ đứng xa ra ngoài kia, để tôi tự lấy cũng được mắc công tôi có bệnh rồi lây cho chị”.
Nghe xong câu nói đó, chị cười kể với chúng tôi: “Nãy giờ toàn những chuyện dễ thương như vậy đó. Công nhận ý thức người Sài Gòn mình cao thiệt. Nhiều người dù đang cách ly bên trong không dễ dàng gì nhưng cũng quan tâm tới những người đang làm nhiệm vụ như mình”.

Trợ lý giám đốc pha cà phê, nhà hàng nấu cơm “tiếp sức tiền tuyến” chống Covid-19

“Có nhiều người ngất xỉu vì trời nắng, tỉnh dậy vẫn đòi làm tiếp”

Chị Mai Vàng (29 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cũng là tình nguyện viên trực cùng khung giờ với chị Thu. Tuy nhiên, chị nói mình tham gia hỗ trợ công tác chống dịch từ những ngày đầu, thực hiện nhiệm vụ tại nhiều chốt kiểm soát dịch cũng như chốt phong tỏa ở Gò Vấp.
Câu chuyện của tôi và chị Vàng bắt đầu bằng việc chị khoe những túi quà đầy ắp bánh kẹo, nước sâm được người dân tặng. Chị nói đó là động lực để tiếp tục công việc mình đang làm. Nói xong, chị dúi vào ba lô tôi một chai nước sâm và một cái bánh ngọt, bảo rằng “tình cảm của người dân nhiều quá, không thể nào dùng hết được nên tặng cho các anh có sức để tiếp tục làm nhiệm vụ thông tin”.
Thình lình, một nhóm người trẻ chạy ngang qua khu vực này liền vẫy tay chào lực lượng trực chốt, cười tươi sau lớp khẩu trang cùng với lời động viên: “Các anh chị cố lên nha!” khiến tôi bất ngờ. Chị vẫy tay chào lại rồi cười tít mắt. Chị Mai Vàng cho biết đó là những bạn trẻ cũng đang tham gia vào công tác thiện nguyện ở Gò Vấp. Họ thường xuyên phát nước, đồ ăn miễn phí cho những người trực chốt. Mỗi lần nghe được những lời động viên đó, chị thấy lòng vui khó tả, cảm giác như mọi người luôn ở phía sau làm chỗ dựa cho mình. 
 ‘Chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc’

Những màu áo xanh hỗ trợ người dân qua chốt kiểm dịch cầu Chợ Cầu chiều 8.6

ẢNH: CAO AN BIÊN

Không phải ai cũng biết cô gái nhỏ nhắn trực khắp các chốt những ngày qua lại là giáo viên dạy Hóa học ở một trường THPT của Q.Tân Phú. Việc giảng dạy bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thay vì ở nhà chăm con, chị giao nhiệm vụ đó cho chồng rồi “xông pha” hỗ trợ lực lượng tuyến đầu.
Chị cười nói gia đình mình, nhất là chồng không phản đối quyết định này vì trước đó đã “làm công tác tư tưởng”. Chị cũng giải thích cặn kẽ và hứa với người thân sẽ kỹ lưỡng để không phải ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và gia đình.
 ‘Chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc’

Nhiều người nói họ không sợ dịch Covid-19, chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc

ẢNH: CAO AN BIÊN

Mỗi ngày, chị trực một ca khoảng 3 - 4 tiếng nên không quá mất sức. Đó là lý do mà Mai Vàng luôn miệng nói rằng công việc của mình nhẹ nhàng gấp trăm lần so với những cán bộ y tế, lực lượng chức năng đang căng mình chống dịch những ngày qua.
“Nhưng mà cũng tội lắm, nhiều bạn tình nguyện viên làm chung với tôi cũng là những người còn rất trẻ. Khi làm ở các chốt kiểm dịch, lượng xe ra vào nhiều trong khi thời tiết thì nắng nóng, nhiều người đã ngất xỉu. Tỉnh dậy, họ lại tiếp tục chạy ra làm như không có chuyện gì. Đáng nể!”, chị không giấu được sự khâm phục. 
 ‘Chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc’

Anh Nguyễn Trung Thành (24 tuổi) tất bật với công việc hỗ trợ những người qua chốt khai báo y tế

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Làm đến khi nào Sài Gòn hết dịch thì thôi”

Giờ tan tầm, chốt kiểm dịch cầu Chợ Cầu đông đúc, anh Nguyễn Trung Thành (24 tuổi) tất bật với công việc hỗ trợ những người qua chốt khai báo y tế. Thành tâm sự mình gắn bó với chốt kiểm dịch này từ những ngày đầu tiên. Để có thể trở thành tình nguyện viên, anh đã vượt qua sự phản đối từ gia đình.
“Mẹ mình mất rồi, mình đang sống với cha ở Củ Chi. Mình thì đang học năm cuối Học viện Cán bộ và chờ tốt nghiệp, thời gian này cũng rảnh nên đăng ký đi chống dịch. Cha mình thì lo, sợ mình có chuyện gì nhưng mình đã cố thuyết phục. Cuối cùng thì ông cũng yên tâm”, anh kể.
Những ngày đầu mở chốt kiểm soát dịch Covid-19, khi người dân còn nhiều bỡ ngỡ anh nói công việc của mình có phần khó khăn. Khi đó, một số người thiếu ý thức tự động vượt chốt khiến anh và các cán bộ phải rất vất vả để kiểm soát. Sau vài ngày, người dân đã quen với việc khai báo y tế, cũng ý thức hơn nên công việc của anh cũng đỡ mệt.
 ‘Chỉ sợ không cống hiến hết sức trẻ cho Tổ quốc’

Một nhóm tình nguyện viên ngồi nghỉ ngơi ở chốt kiểm dịch Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chỉ vào những người bạn tình nguyện viên vẫn đang miệt mài điều phối giao thông và hỗ trợ người dân khai báo y tế, anh nói họ đều là bạn học của mình. Trước đó, mọi người đã rủ nhau tham gia hoạt động này và gắn bó với nhau đến giờ.
“Tụi mình sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào Sài Gòn hết dịch thì thôi. Với tinh thần đoàn kết như những ngày qua, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19”, anh Thành tin tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.