Kinh tế khởi sắc, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao
Trước phiên chất vấn, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, chất vấn. Báo cáo nêu rõ về kết quả đạt được trong điều hành KT-XH của Chính phủ. Số liệu đáng chú ý là so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 9,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 5 tháng ước đạt 7,71 tỉ USD, tăng 7,8%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt 305,1 tỉ USD, tăng 15,6%; xuất siêu 516 triệu USD…
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh |
Gia Hân |
“Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế VN. Trong đó, chỉ số phục hồi Covid-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc...”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về tình hình đầu tư công, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KT-XH; thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 31.5 đã giải ngân 22,37% kế hoạch, trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%. Riêng gói phục hồi kinh tế giải ngân 33.500 tỉ đồng.
Phó thủ tướng cũng cho biết qua làm việc, hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đều cam kết sẽ có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022. Thủ tướng cũng quán triệt và chỉ đạo phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.
Cơ chế chính sách, pháp luật có phải “tội đồ”
Bước vào chất vấn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) băn khoăn về số liệu giải ngân gói phục hồi kinh tế cao hơn 11.000 tỉ đồng so với báo cáo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành. ĐB Mai cũng đặt vấn đề khi đọc qua báo cáo của Chính phủ và giải trình của các bộ trưởng thì gần như pháp luật được coi là “tội đồ” cho sự chậm trễ trong triển khai gói phục hồi kinh tế và một số mục tiêu khác. “Là người được Thủ tướng giao phụ trách trực tiếp công tác xây dựng thể chế, Phó thủ tướng cho biết việc chậm trễ có đúng là rào cản pháp luật hay không, phải chăng cơ chế đặc thù là chưa đủ. Nếu đúng thì đó là những quy định nào để QH có căn cứ hoàn thiện thể chế”, ĐB Mai hỏi.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết về số liệu “vênh nhau” ông sẽ yêu cầu Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính đối chiếu lại vì có thể báo cáo thời kỳ khác nhau và thực tế giải ngân của Kho bạc Nhà nước là các nguồn quyết toán; còn các bộ, ngành và địa phương là thực tế thực hiện. Còn cơ chế, chính sách khi giải ngân nguồn vốn đầu tư công thì khi thấy bị chậm trễ, Chính phủ đã triển khai Tổ công tác đặc biệt để rà soát lại thể chế, xem chậm ở khâu nào, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương báo cáo lên.
“Khi báo cáo có khoảng 2.000 vấn đề, trong đó 70% do hiểu chưa hết các quy định. Sau đó, Bộ KH-ĐT có văn bản gửi các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành hiểu các quy định thủ tục giải ngân đầu tư công. Còn lại những vấn đề gì liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ thì tập hợp lại điều chỉnh trong phạm vi thẩm quyền. Còn vấn đề gì liên quan đến luật tập hợp điều chỉnh báo cáo đề xuất”, Phó thủ tướng nói.
ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ) tiếp tục chất vấn về công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, đề nghị Phó thủ tướng trao đổi làm rõ thêm nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành, chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá như thế nào và có giải pháp gì để hoàn thiện, thưa Phó thủ tướng”, ĐB Chung hỏi.
Trả lời ĐB Chung, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết: “Tôi không nói có vấn đề đó. ĐB nói phải chỉ ra cụ thể lợi ích nhóm nào. Còn để đảm bảo chất lượng văn bản pháp luật đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng, đặc biệt liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khi xây dựng lấy ý kiến đánh giá tác động của chính sách, đặc biệt là đông đảo người dân, các đối tượng bị tác động”.
Bình luận (0)