Phải lấy ý kiến cộng đồng trước khi cấp phép khai thác, sử dụng nước

Lê Quân
Lê Quân
12/02/2023 10:19 GMT+7

Nghị định 02 mới ban hành của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20.3 quy định chi tiết một số điều của luật Tài nguyên nước. Trong đó, sẽ thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Phó thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Hội đồng

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước (Nghị định 02).

Sắp thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước - Ảnh 1.

Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có trách nhiệm tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng trong các quyết định quan trọng

LÊ QUÂN

Theo đó, Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng trong những quyết định quan trọng về tài nguyên nước. Hội đồng sẽ do một phó thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, Ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan, Bộ TN-MT là cơ quan thường trực.

Giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước có văn phòng Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước đặt tại Bộ TN-MT. Thủ tướng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước.

Thủ tướng sẽ quyết định việc thành lập các tổ chức lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ TN-MT. Bộ TN-MT sẽ thành lập các  tổ chức lưu vực sông đối với các lưu vực sông liên tỉnh khác.

Lấy ý kiến cộng đồng mới được cấp phép tài nguyên nước

Về cấp phép tài nguyên nước, Nghị định 02 quy định tổ chức, cá nhân muốn được cấp giấy phép tài nguyên nước phải hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sắp thành lập Hội đồng quốc gia về tài nguyên nước - Ảnh 2.

Muốn được cấp giấy phép tài nguyên nước phải hoàn thành lấy ý kiến cộng đồng. Trong ảnh là điểm lấy nước đầu vào từ sông Hồng của một nhà máy sản xuất nước sạch đang được xây dựng ở H.Đan Phượng (Hà Nội)

LÊ QUÂN

Muốn được cấp giấy phép, trước hết cần có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực.

Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.

Đối với trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp chưa có công trình; có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực hoặc có hợp đồng thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thực hiện việc vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định đối với trường hợp đã có công trình.

Về thời hạn, giấy phép sử dụng nước mặt, nước biển tối đa là 15 năm, tối thiểu 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 3 năm, tối đa là 10 năm.

Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn là 2 năm và được xem xét gia hạn 1 lần, thời gian gia hạn không quá 1 năm.

Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất có thời hạn tối đa là 10 năm, tối thiểu là 3 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 2 năm, tối đa là 5 năm.

Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không phải đăng ký, không phải có giấy phép, gồm: công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước với quy mô nhỏ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô không vượt quá 10m3/ngày đêm; khai thác nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp không vượt quá 100 m3/ngày đêm; hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,01 triệu m3 hoặc công trình khai thác nước mặt khác cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với quy mô không vượt quá 0,1 m3/giây… không phải đăng ký, không phải xin giấy phép…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.