Nông nghiệp vẫn còn ‘ngổn ngang với chuyển đổi số’

Thành Luân
Thành Luân
10/01/2023 18:15 GMT+7

Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều khó khăn và có phần chậm hơn các ngành khác.

Theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Dù đã đạt được một số thành tựu nổi bật, quá trình chuyển đổi số nông nghiệp và nông thôn tại Việt Nam vẫn còn vướng mắc dễ dàng nhận thấy như mức độ cơ giới hóa thấp, ít công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hoạt động sản xuất, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm…

Chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chưa được khai phá hết tiềm năng

ctv

Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào chuyển đổi số nông nghiệp chưa nhiều, chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn cao vẫn hạn chế. Đặc biệt, nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ, nền tảng số của người nông dân chưa cao.

Theo ông Nguyễn Ái Hữu - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Xelex, xu thế từ năm 2023 trở đi các ngành đang có đà phát triển về chuyển đổi số sẽ càng mạnh mẽ hơn hiện nay, tuy nhiên với các ngành chưa có, ví dụ như nông nghiệp thì thị trường “vẫn còn nhiều ngổn ngang”.

Hiện nay, xã hội hướng tới các giá trị để mang lại thu nhập cao cho người dân, song song với đó là xu hướng quan tâm đến an toàn về sức khỏe. Nhờ ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiến trình chuyển đổi số của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhu cầu này phần nào được đáp ứng, góp công trong việc minh bạch hóa quy trình sản xuất, kiểm soát thực phẩm từ khâu nguyên liệu. Từ đó, ông Nguyễn Ái Hữu đánh giá nông nghiệp là một lĩnh vực rất quan trọng và có nhiều tính đầu tư về ứng dụng thực tiễn, phù hợp với chuyển đổi số.

Về lợi ích, chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới cho nông nghiệp Việt Nam sau giai đoạn cơ giới hóa, công nghiệp hóa. Cụ thể hơn, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu - một trong những tác nhân tự nhiên khó kiểm soát và thường gây ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc thất thu vụ mùa. Với chuyển đổi số, nông dân cũng có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào thương lái.

Khi không còn chịu nhiều tác động từ thiên tai cũng như việc người dân được tiếp cận với công nghệ, phương thức canh tác hiệu quả, năng suất lao động sẽ tăng cao, mang lại giá trị lớn về mặt thu nhập cho nông dân, đồng thời cũng góp phần giảm chi phí sản xuất, sức lao động, lượng khí thải nhà kính…

Ông Nguyễn Ái Hữu - Tổng giám đốc Công ty công nghệ Xelex

ctv

Ông Hữu cho rằng thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nghiệp đều phải nhìn lại thế mạnh của mình, tập trung vào nơi mạnh nhất của đơn vị để tránh đầu tư dàn trải. “Chúng tôi làm chuyển đổi số về giáo dục và giờ đây là nông nghiệp. Xelex đang đẩy mạnh hoạt động tại một số tỉnh miền Tây, góp phần hình thành những hợp tác xã số trong nông nghiệp để cung cấp, hỗ trợ giải pháp đầy đủ. Mọi quy trình từ công cụ quản trị tới kế hoạch sản xuất sẽ được số hóa hoàn toàn”, lãnh đạo Xelex chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm với chủ đề “Bình an trong biến động số” do Báo Thanh Niên tổ chức.

Với thế mạnh và kinh nghiệm về thiết bị phần cứng (sản xuất, lắp ráp máy tính bảng, laptop…), Xelex cũng đang có nhiều lợi thế trong một “chu trình khép kín” từ đào tạo kiến thức, kỹ năng tới triển khai thực tiễn. Lãnh đạo đơn vị chia sẻ công ty đã đặt ra chiến lược và bước đầu thành công với lộ trình theo đúng kế hoạch. “Trong mùa dịch, công ty đã cung cấp hàng ngàn thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh trên cả nước. Kế hoạch sắp tới là đưa ra chương trình cung ứng laptop với mức giá hợp lý để người Việt sử dụng hàng Việt, đưa sản phẩm đó tới nông thôn lẫn thành thị. Cùng với đó là phát triển nội dung, chương trình số phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

“Đang có sự chênh lệch trong truyền đạt kiến thức giữa thành thị và nông thôn. Nhưng với chiến lược chuyển đổi số, công nghệ hóa, đưa thiết bị tới những vùng sâu vùng xa, địa phương nghèo thì các em học sinh, người dân nơi đây dễ dàng tiếp cận với các chương trình đạo tạo số với các bài giảng hay, hữu ích, từ đó cân bằng kiến thức. Người nông dân cũng dễ dàng tiếp cận với kiến thức canh tác, trồng trọt năng suất cao, biết thêm giải pháp xanh, sạch để gia tăng giá trị cho nông sản”, ông Nguyễn Ái Hữu bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.