Phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vai trò của thủ đô

Vũ Hân
Vũ Hân
13/10/2020 06:37 GMT+7

Đặt câu hỏi 'Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới?', Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của thủ đô.

Sáng 12.10, Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII chính thức khai mạc. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 497 đại biểu chính thức dự đại hội.
Trong ngày làm việc thứ nhất, đại hội đã nghe báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ TP.Hà Nội khóa XVI và làm công tác nhân sự.

Thấm thía bài học “dân là gốc”

Tại diễn văn khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội diễn ra sau quá trình chuẩn bị nghiêm túc, trách nhiệm, công phu, khoa học, theo quy định của T.Ư và được sự đồng ý của Bộ Chính trị.
Theo ông Huệ, trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, “Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật” cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh trật tự, xây dựng chỉnh đốn Đảng và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ…
“Để có được những kết quả đó, chúng ta càng thấm thía bài học “dân là gốc” và vai trò, công sức đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành, chủ thể của sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ ra việc kinh tế chưa tạo ra được các “đột phá lớn”, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của TP; chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị chưa đồng đều; quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, bảo vệ môi trường...; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng; tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra điểm nóng về trật tự, an ninh nông thôn; năng lực, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đảng bộ TP.Hà Nội xác định quyết tâm chính trị cao trong xây dựng, phát triển thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Hà Nội chưa khi nào có cơ hội phát triển như bây giờ

Như tôi đã nhiều lần khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Hà Nội cũng chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ.
Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn. Vì sao? Bởi vì Hà Nội là thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là nơi hội tụ của khí phách cha ông, hồn thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Hà Nội vinh dự đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Thủ đô anh hùng", ba lần được tặng thưởng "Huân chương Sao vàng", được các tổ chức quốc tế vinh danh là "Thành phố vì hòa bình", "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"...
Do đó, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển thủ đô.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng  

Có nhiều cái khó, nhưng phải quyết tâm

Sau khi nghe các báo cáo và các tham luận, cuối buổi sáng ngày làm việc thứ nhất, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước điểm lại những thành công trong nhiệm kỳ vừa qua, như Đảng bộ TP đã triển khai có hiệu quả 8 chương trình công tác của Thành ủy; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công “5 nhiệm vụ trọng tâm”, “3 khâu đột phá”; đặc biệt, TP đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP đề ra, với 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm. Kinh tế thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình quân GRDP đầu người ước đạt 5.420 USD (gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước). Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, như báo cáo của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đề cập. Tựu trung, cả trong kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, trong KH-CN, GD-ĐT, xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Hà Nội đều làm chưa xứng với tiềm năng và vai trò “bộ mặt”, “trái tim” của cả nước. Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, ông nói như vậy “không có ý chê trách hay chì chiết nặng nề gì với Hà Nội”, mà rất thông cảm và chia sẻ, vì ông cũng đã từng có gần 10 năm công tác tại đây.
“Người ta có câu nói là “Hà Nội không vội được đâu”, châm biếm là “cái gì mà không định làm thì mang ra bàn”, bởi vì lắm ý kiến quá, nhiều người can thiệp quá, định làm cái gì bàn lên bàn xuống bàn đi bàn lại. Hà Nội có nhiều cái khó. Nhưng mà ta phải quyết tâm làm”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ và yêu cầu các cơ quan T.Ư cần phối hợp với Hà Nội tốt hơn nữa.
Đặt câu hỏi “Thủ đô của chúng ta sẽ phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới?”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa về vị trí, vai trò của thủ đô, với những tiềm năng không nơi nào có được.
Nhấn mạnh người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý Hà Nội cần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật những cán bộ vi phạm.

Bầu 71 người tham gia BCH khóa mới

Trong chiều 12.10, Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội lần thứ XVII đã hoàn tất công tác nhân sự, bầu ra 71 người tham gia BCH Đảng bộ khóa mới trong tổng số 80 người được giới thiệu. Đại hội sau đó cũng giới thiệu nhân sự bầu Bí thư Thành ủy, với người được giới thiệu duy nhất là đương kim Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ. Lúc 19 giờ cùng ngày, BCH Đảng bộ khóa mới đã họp để bầu ra Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó có 1 Bí thư và 4 Phó bí thư. Kết quả sẽ được công bố trong hôm nay (13.10).  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.