Theo GS-TS Trương Quốc Bình, hiện nay kho tàng di sản thực sự đem lại nguồn lợi kinh tế to lớn và nhiều lợi ích khác cho quốc gia, cho địa phương từ các hoạt động phục vụ khách du lịch. Chính vì thế, khai thác di sản cũng đem lại nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, dường như sự phát triển này đang dẫn đến tâm lý khai thác di sản bằng mọi giá để tận thu. Có nhiều vụ việc đã gây “nóng” như: xây dựng cầu “xuyên lõi” lên núi Cái Hạ (Tràng An, Ninh Bình); đổ bê tông vùng lõi vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)... Chính vì thế, ông Bình cảnh báo: “Việc khai thác giá trị từ di sản là hợp lý và cần thiết, nhưng không thể đặt mục tiêu tận thu từ di sản”.
Cũng theo ông Bình, hợp tác công tư để khai thác phát huy giá trị và bảo tồn di sản là mô hình đã được chứng minh hiệu quả đối với nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, họ tách chức năng: quản lý di sản thuộc về nhà nước, nhưng quản trị và thu phí giao cho doanh nghiệp. Tháp Eiffel của Pháp, Angkor Wat của Campuchia và rất nhiều di sản thế giới khác đều đang vận hành theo mô hình hợp tác công - tư. Mô hình này đã mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân; tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo các lợi ích cho người dân. Mặc dù vậy, ông Bình cho rằng hợp tác công - tư trong lĩnh vực di sản văn hóa hiện nay ở Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Bình luận (0)