Trải nghiệm 'tour' di sản

Ngọc An
Ngọc An
03/12/2020 06:20 GMT+7

Thời gian gần đây, có nhiều chương trình khám phá, trải nghiệm di sản , trong đó có di tích lịch sử, tín ngưỡng hay không gian nghệ thuật truyền thống được tổ chức, thu hút nhiều người tham gia.

“Sờ tận tay, thấy tận mắt”

Những học viên của khóa học bảo tồn di sản đã có chuyến đi khám phá những di sản tại TP.Hải Phòng, từ không gian nhà hát của TP, đến không gian di tích lịch sử, truyền thống, thưởng thức ẩm thực… “Tour” khám phá này được Vũ Thanh Bình, một học viên của khóa học, vốn là người Hải Phòng, tự thiết kế. Những chuyên gia trong lĩnh vực di sản như kiến trúc sư (KTS) Lê Thành Vinh (nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích quốc gia), PGS-TS-KTS Phạm Thúy Loan (thành viên sáng lập và Chủ tịch Hội Bảo tồn di sản hiện đại VN), TS nhân học văn hóa - xã hội Hoàng Cầm đã tham gia hướng dẫn khóa học này.
“Mỗi khóa học bảo tồn di sản đều có 1 ngày trọn vẹn đi thực tế. Đó là ngày đến một di tích hoặc cụm di tích nào đó do giảng viên chọn lựa, và bắt đầu thực hành những bài học chúng tôi đã được trang bị. Cùng nhận diện những giá trị của di sản ở ngoài đời sống, phải đối mặt với thực tế lắm khi... không đẹp như sách vở, nhưng cũng lại là những lúc thấm thía nhất bài học của thái độ của những nhà bảo tồn”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (nhà sáng lập Ơ Kìa Hà Nội), người tham gia tổ chức khóa học, chia sẻ.
Những thành viên của khóa học “đa dạng về thành viên và độ tuổi, có cả các bạn học sinh cuối cấp 3, và cả những người đã sắp nghỉ hưu” đều gọi đó là những ngày "điền dã", không chỉ khiến họ vui, mà còn giúp thấm và ngấm nhiều điều.

Nhiều nghệ nhân không còn nữa, sinh hoạt văn hóa của âm nhạc truyền thống hiện nay quá là xuống cấp. Điều mà chúng tôi muốn làm là kết nối trực tiếp công chúng với không gian văn hóa, những con người
thực hành văn hóa đang gần mất hết

 Nhạc sĩ Kim Ngọc

Một hoạt động khác là Tour nghệ nhân nằm trong khuôn khổ dự án Hình của nhạc do Trung tâm âm nhạc và nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm thực hiện, đưa người tham gia về với không gian sống của những nghệ nhân, những con người nắm giữ di sản. Tại làng Ngang Nội, một làng quan họ ở Bắc Ninh, nhiều bạn trẻ được trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa quan họ. Họ được nghe những câu hát mời trầu, đối đáp, cho đến canh hát lề lối, điệu giã bạn... Thậm chí, họ cùng ăn cơm, chuyện trò, cùng "sống" với nghệ nhân.
Nhạc sĩ Kim Ngọc, người đưa ra sáng kiến Tour nghệ nhân, nhìn nhận nghệ thuật truyền thống luôn có không gian văn hóa, nhưng hiện nay những không gian này đang bị biến dạng. “Chẳng hạn như hội Lim ngày càng giống biểu diễn sân khấu tạp kỹ”, chị nói, trong khi ở đâu đó vẫn còn sót lại những nghệ nhân thực hành nghệ thuật đang giữ gìn những nếp sinh hoạt cũ. “Khi về Bắc Ninh, tôi thấy một số gia đình nghệ nhân vẫn giữ được nét sinh hoạt văn hóa truyền thống theo kiểu bố mẹ truyền cho con, con họ lại truyền cho cháu của họ. Khi có giỗ chạp, lễ tết, mọi người lại ngồi hát cùng nhau”, nhạc sĩ Kim Ngọc cho hay. Chị muốn nhiều người không chỉ được nghe, xem nghệ nhân, mà còn được sống trong không gian văn hóa của âm nhạc truyền thống đấy. “Ngay cả việc ngồi nói chuyện với nghệ nhân cũng chứa đựng mối quan hệ văn hóa, bởi nghệ nhân cũng là nhà văn hóa “sống”. Nhìn họ, nói chuyện với họ cũng rất khác, chứ không là xem, nghe những nghệ sĩ hóa trang trên sân khấu”, chị lý giải.
Hoạt động “tour” di sản khá đa dạng. Những người bạn của di sản VN (Friends of Vietnam Heritage/FVH), một nhóm gồm những thành viên là người Việt và nước ngoài, vẫn thường xuyên tổ chức chuyến khám phá, trải nghiệm hướng đến du khách hay những người yêu di sản Việt. Họ cùng “hẹn” nhau trên Facebook và tham gia chuyến hành trình, như chuyến đi đến ngôi làng từng nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh); gặp gỡ với nghệ nhân của làng, hay chuyến du ngoạn tới làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), khám phá con phố Hòe Nhai (Hà Nội)...

Học được cách yêu và bồi đắp di sản

“Nhiều nghệ nhân không còn nữa, sinh hoạt văn hóa của âm nhạc truyền thống hiện nay quá là xuống cấp. Điều mà chúng tôi muốn làm là kết nối trực tiếp công chúng với không gian văn hóa, những con người thực hành văn hóa đang gần mất hết”, nhạc sĩ Kim Ngọc nói.
Những hành trình trở về di sản không là một chuyến đi trải nghiệm “cưỡi ngựa xem hoa” dành cho du khách nữa, mà là hoạt động cần thiết cho việc nâng cao ý thức bảo tồn di sản. Khóa học Bảo tồn di sản - khóa học hiếm hoi dành cho công chúng quan tâm đến di sản, là một ví dụ.
di-san

Những thành viên của khóa học Bảo tồn di sản cùng tham gia chuyến “điền dã” khám phá di sản

Ảnh: NVCC

“Ban đầu vì tôi muốn được biết, được hiểu hơn và để tránh những định kiến trong suy nghĩ khi nhìn vào di sản, nhìn vào công việc của bảo tồn, sau thì tôi bị quyến rũ. Bảo tồn di sản thực sự là một ngành quá hấp dẫn. Tôi không thực hành nhưng thông qua việc tiếp cận lý thuyết, tôi đã mở được những cánh cửa căn bản nhất để bước vào một lãnh thổ mênh mông”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lý giải về lý do một người ngoại đạo như chị đã tổ chức lớp học về di sản.
“Tôi học được cách yêu và bồi đắp những di sản mình yêu. Tôi cũng nhìn ra rằng, có thể tôi không làm được gì nhưng chắc sẽ nỗ lực để bảo tồn những thứ nên bảo tồn; không trực tiếp hoặc gián tiếp phá hủy mất những di sản quan trọng với tương lai bằng những suy nghĩ đó. Cuối cùng thì điều chúng tôi hướng tới là có thể lan tỏa hiểu biết, lan tỏa tri thức, lan tỏa tinh thần của những người trân trọng di sản văn hóa và sẽ bằng nhiều cách khác nhau để bảo tồn”, nữ đạo diễn bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.