Lạm dụng quyền lực không hoàn thuế cho doanh nghiệp
Luật sư Trần Xoa (Công ty luật Minh Đăng Quang) khẳng định luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) ban hành từ năm 2008, luật Quản lý thuế từ 2006 và các luật sửa đổi sau đó đến nay đều nhất quán về vấn đề hoàn thuế cho doanh nghiệp (DN).
Theo đó, các DN thuộc đối tượng được hoàn thuế đảm bảo 3 điều kiện: có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; có hợp đồng ký kết xuất khẩu hàng hóa và tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu. Luật cũng đã quy định rõ về thời gian kiểm tra, xác minh hồ sơ hoàn thiện. Đối với các DN được hoàn trước, kiểm tra sau thì thời gian thực hiện trong vòng 6 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp DN thuộc diện kiểm trước, hoàn sau thì thời gian tối đa để cơ quan thuế kiểm tra là 40 ngày liên tục kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Sau thời gian quy định, cơ quan thuế vẫn có quyền kiểm tra lại nếu có nghi ngờ hay phát hiện vấn đề nào đó và đòi truy hoàn thuế. Còn nếu hồ sơ của DN đã nộp đầy đủ, hợp lệ thì phải được xử lý theo đúng thời gian luật đã quy định. Nhân viên nào để hồ sơ trễ cũng cần bị xem xét trách nhiệm.
"Kể từ khi 2 luật này ban hành, các DN vẫn được hoàn thuế bình thường, không có quá nhiều vấn đề phát sinh. Tuy nhiên vài năm gần đây, ngành thuế đã bắt đầu có thêm một số công văn mới. Từ đó khiến nhiều DN rất khó khăn trong việc làm thủ tục hoàn thuế GTGT", ông Xoa nhận xét. Đồng thời theo nguyên tắc quản lý thuế, mỗi hồ sơ hoàn thuế GTGT là riêng biệt. DN có quyền làm hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT khi số tiền thuế đã nộp từ 300 triệu đồng trở lên. Vì vậy, dù hồ sơ nộp trước đó chưa đầy đủ hay cần kiểm tra xác minh thì chỉ riêng hồ sơ đó bị chậm lại. Những hồ sơ khác khi DN nộp lên thì cơ quan thuế phải tiếp nhận và giải quyết theo thông thường.
"Cơ quan thuế không thể cho rằng khi hồ sơ trước chưa giải quyết xong thì DN không được nộp các hồ sơ tiếp theo. Hoàn thuế là quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người nộp thuế theo luật định. Không ai được phép làm mất đi quyền lợi của người nộp thuế. Cơ quan quản lý nhà nước nói chung hay cơ quan quản lý thuế càng bắt buộc phải tuân thủ theo luật. Việc làm theo các công văn nội bộ của ngành trong khi luật không có là gây cản trở cho hoạt động của DN. Từ đó khiến cho các DN bị bế tắc, có thể phá sản sẽ kéo theo kinh tế cả nước chậm phát triển, nguồn thu ngân sách giảm đi là càng phải xem xét lại trách nhiệm", luật sư Trần Xoa nói.
Đang hỗ trợ cho phía DN kiện cơ quan thuế về việc chậm hoàn thuế, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật Anvi, cho biết các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế hoàn thuế yêu cầu thêm những cái không đúng luật. DN đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật về hoàn thuế nhưng mất 1 - 2 năm vẫn chưa được hoàn là cơ quan thuế đã lạm dụng quyền lực, không chịu hoàn tiền thuế cho DN.
Ưu tiên hoàn trước - kiểm sau
"Biện pháp nhanh nhất giải quyết các hồ sơ hoàn thuế hiện nay là hoàn trước cho DN, còn nghi ngờ ai thì đi kiểm tra người đó. Đồng thời áp dụng biện pháp, hồ sơ hoàn thuế chậm đến đâu thì phải trả lãi cho DN đến đó. Không những vậy mà còn có quy định chịu phí phạt nếu để quá lâu. Có như vậy cán bộ thuế, cơ quan thuế mới làm nhanh được. Chứ không thì la rát cổ họng cũng không giải quyết được vấn đề", ông Trương Thanh Đức đề xuất.
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, cho rằng: "Muốn giải quyết nhanh tình trạng ách tắc trong hoàn thuế GTGT thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có những tháo gỡ vướng mắc, đồng thời giải tỏa tâm lý né tránh cũng như lợi dụng làm khó từ cán bộ thuế".
Thủ tướng yêu cầu giải quyết nhanh hồ sơ hoàn thuế
Sau khi Thủ tướng có công điện 470 yêu cầu các bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, người dân, Bộ Tài chính có thông báo 5427 gửi Tổng cục Thuế chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế GTGT đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện theo quy định.
Đối với những trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế, giải thích kịp thời thông báo cho người nộp thuế biết một cách công khai, minh bạch. Đồng thời, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT cho DN, người dân. Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho DN, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Hồ sơ đang kiểm tra thì thông báo thời hạn giải quyết. Đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, DN thì tổ chức đối thoại ngay với hiệp hội, DN trong tuần từ ngày 29.5 - 2.6 để làm rõ vướng mắc; chủ động xử lý, giải quyết các vướng mắc và thực hiện hoàn thuế theo đúng quy định, đúng thẩm quyền, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và DN.
Theo TS Tú, ở nhiều nước, các giao dịch đều thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng nên việc hoàn thuế khá công khai, minh bạch. VN hiện còn sử dụng tiền mặt trong thanh toán, hoàn thuế chủ yếu dựa vào hóa đơn chứng từ mà lượng hóa đơn lớn thì sẽ khó kiểm soát. Mỗi năm, tiền hoàn thuế chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng số thu ngân sách. Một vài năm gần đây, tổng số thu ngân sách vào khoảng 1,5 triệu tỉ đồng thì số tiền xin hoàn lên khoảng 150.000 tỉ đồng. Đây là số tiền thuế rất lớn nên tạo không ít thách thức đối với ngành thuế. Nhiều vụ gian lận hoàn thuế xảy ra, trong đó có dính đến cán bộ liên quan.
Điều này cho thấy chính sách hoàn thuế còn kẽ hở. Cũng vì đặc thù hoàn thuế dựa chủ yếu vào hóa đơn, mà DN mua hàng trên cả nước nên hóa đơn cũng do nhiều địa phương khác nhau cung cấp nên cơ quan thuế khó kiểm soát. Vì lúng túng trong việc quản lý dẫn đến có những trường hợp DN đúng cũng chịu thiệt trước chính sách hoàn thuế ngặt nghèo. Quy trình hoàn thuế trước đây ưu tiên hoàn trước - kiểm sau, trường hợp DN rủi ro thì kiểm trước - hoàn sau. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh một số gian lận hoàn thuế khiến cơ quan thuế ban hành các công văn chỉ đạo chung chung, dẫn đến cán bộ thuế sợ không dám ký, vì ký mà lỡ hồ sơ hoàn thuế bị gian lận thì đi tù, mà không ký thì DN lại bị găm tiền thuế.
Vì thế, theo ông Tú, cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế. Đặc biệt thống nhất 1 thuế suất thuế GTGT trong nước để không còn phát sinh các hồ sơ xin hoàn thuế nội địa vì chênh lệch thuế suất giữa 5% hay 10%. Nếu làm được điều này, lượng hồ sơ xin hoàn thuế trong nước sẽ không còn, thay vào đó, cơ quan thuế tập trung nhiều hơn vào hoàn thuế cho DN xuất khẩu.
"Bộ Tài chính cần có chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho DN nhưng cũng đảm bảo ngân sách không bị thất thu. Còn với những quy định theo công văn như vừa qua thì không ai dám làm. Đừng vì một vài vụ việc gian lận hoàn thuế GTGT mà gây khó cho tất cả các DN còn lại", ông Tú cho hay.
Bình luận (0)