Sau khi Thanh Niên đăng loạt bài đề cập thực trạng tại các tỉnh, thành giới trẻ đang biến nhiều tụ điểm karaoke, bar, vũ trường... thành “điểm nóng” sử dụng ma túy, nhiều lãnh đạo có trách nhiệm cho rằng đó là một vấn đề nhức nhối, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trước mắt cũng như lâu dài; bởi đa phần dân bay, lắc ma túy là người trẻ. Tuy nhiên, do chế tài còn nhẹ, việc xử lý chưa đủ sức răn đe khiến thực trạng này ngày càng phức tạp, thách thức pháp luật.
“Như đầu Phạm Nhan, chém rồi lại mọc”
Theo thống kê mới nhất của Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an, năm 2019 cả nước triệt phá 2.834 vụ liên quan đến ma túy và kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Theo báo cáo của công an 63 tỉnh, thành, hiện cả nước có 3.879 cơ sở kinh doanh có điều kiện về các dịch vụ nhạy cảm có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm về tệ nạn ma túy. Trong đó, dịch vụ karaoke chiếm 45%, khách sạn, nhà hàng chiếm 44%, còn lại là loại hình quán bar, vũ trường…
Có thể yêu cầu chủ cơ sở phải thế chấp 500 triệu - 1 tỉ đồngCũng theo đại tá Vũ Văn Hậu, Quyết định 291 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ việc chủ các cơ sở vui chơi giải trí phải chịu trách nhiệm nếu để khách sử dụng ma túy. Tuy nhiên, để xử lý như thế nào thì Bộ Công an đang tiếp tục nghiên cứu để có các phương án cụ thể. “Ngoài các vi phạm hình sự, hành chính đương nhiên bị xử lý theo quy định pháp luật thì chúng tôi đang tính toán đến việc khi đăng ký kinh doanh, chủ các cơ sở này phải cam kết, đồng thời phải thế chấp một khoản tiền nhất định, có thể từ 500 triệu - 1 tỉ đồng. Nếu xảy ra vi phạm thì anh sẽ bị trừ đi khoản tiền này, đó là ràng buộc về pháp lý, còn bây giờ vi phạm bị thu hồi giấy phép thì họ xin cấp lại rất dễ”, đại tá Hậu nói.
|
Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, nhìn nhận có tình trạng hiện nay các chủ quán bar, vũ trường, karaoke thường để mặc một số người sử dụng ma túy nhưng lại không thừa nhận là biết việc này. Bên cạnh đó, việc xử lý chủ cơ sở kinh doanh chứa chấp người sử dụng ma túy chỉ là phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Cá biệt, có những cơ sở tìm cách thay đổi người đứng tên giấy phép kinh doanh nhằm trốn tránh sự xử lý của pháp luật. “Trong số người sử dụng ma túy mà bị bắt giữ có hơn 80% là thanh thiếu niên. Có những vụ chúng tôi bắt giữ hàng chục người thì toàn tuổi con cháu mình. Đau xót lắm!”, đại tá Lực nói.
Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho rằng để xóa bỏ nạn ma túy trong các tụ điểm kinh doanh “nhạy cảm” như bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn... ngoài việc tăng cường kiểm tra, quản lý, rút giấy phép, cần bổ sung thêm điều luật chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra tình trạng sử dụng ma túy, thì bắt buộc phải bị xử lý hình sự. Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường, dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp) là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý theo Nghị định 96/2016. Nghị định cũng thể hiện rất rõ trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh này là phải báo ngay cơ quan công an khi phát hiện nghi vấn khách có sử dụng ma túy. Vì vậy, khi phát sinh các vấn đề về an ninh, trật tự, tệ nạn xã hội xảy ra tại cơ sở kinh doanh mà chủ cơ sở không kiểm soát, báo kịp thời thì phải chịu trách nhiệm. “Nếu làm ngơ thì phải mạnh tay, dứt khoát xử lý, truy cứu trách nhiệm đủ sức răn đe”, luật sư Nghiêm nói.
Siết trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Từ thực trạng phức tạp nói trên, đại tá Vũ Văn Hậu cho biết C04 đã và đang tham mưu Bộ Công an nhiều biện pháp để kiểm soát ma túy tại các điểm vui chơi giải trí. Trong đó, Bộ Công an phối hợp với công an các địa phương tăng cường việc kiểm tra, rà soát các tụ điểm có dấu hiệu về ma túy. Hàng loạt vụ việc phát hiện tại các địa phương trong thời gian gần đây cũng là kết quả bước đầu của giải pháp này.
Từ tham mưu của Bộ Công an, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 291 về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Theo đó, từ ngày 21.2.2020, các địa phương phải quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như: vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, resort... không để các đối tượng lợi dụng mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Quyết định 291 cũng yêu cầu lực lượng chức năng chủ động phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với chủ cơ sở kinh doanh để xảy ra tội phạm và tệ nạn ma túy tại cơ sở mình quản lý hoặc có hành vi tiếp tay, bao che cho các đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời đặt ra yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền để xảy ra tình hình tệ nạn ma túy phức tạp, kéo dài ở địa phương, đơn vị do mình phụ trách, quản lý.
Bình luận (0)