Phải xử lý hình sự người làm lẫn người sử dụng giấy tờ giả

29/08/2020 06:21 GMT+7

Nhiều bạn đọc sững sờ trước việc Bộ Công an vừa phá một đường dây làm giấy tờ giả quy mô lớn, bắt giữ 18 nghi can.

Như Thanh Niên đã thông tin, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết vừa tạm giữ hình sự 18 nghi phạm trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức bị triệt phá ngày 26.8.

Cận cảnh lượng lớn bằng cấp, sổ hồng, biển số xe... giả vừa bị công an thu giữ

Bước đầu, cơ quan công an xác định được một số nghi phạm cộm cán tổ chức điều hành đường dây này, trong đó có Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, ngụ Nghệ An). Thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, khép kín.

Bán bằng giả mà chào mời công khai trên Facebook, sốc toàn tập luôn, chưa kể là rao bán cả tiền giả luôn. Mong công an bắt hết bọn tội phạm này, chứ như vầy quá nguy hiểm cho xã hội.

al***@gmail.com 

Đường dây này nhận làm giả từ CMND, thẻ căn cước, bằng cấp trung học đến đại học, bằng bác sĩ... với giá từ 3 - 5 triệu đồng/cái. Đối với các giấy tờ như giấy tờ xe thì bán theo bộ, ví dụ như một bộ giấy tờ xe bao gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe... có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ.

Ai đang sử dụng giấy tờ giả ?

C02 nhận định với thời gian và quy mô hoạt động của đường dây trên, ước tính hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan nhà nước. Nhiều bạn đọc (BĐ) kinh ngạc và đặt câu hỏi: Ai đang sử dụng giấy tờ giả? BĐ Dang Thanh cho rằng việc này không khó, cứ cho tất cả cán bộ, công nhân viên chức khai báo tự nguyện, sau đó gửi danh sách về nơi cấp để sưu tra. Ai khai báo không trung thực thì phạt nặng và truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy sẽ giảm được người sử dụng bằng giả.

Rất nhiều vụ được công an phát hiện, hàng chục ngàn bằng các loại được làm giả, nhưng chưa thấy kết quả điều tra những người mua nó. Phải điều tra cho bằng được đích đến của loại bằng này, khởi tố luôn người mua thì mới triệt tận gốc được.

ng***@gmail.com

Cùng quan điểm, BĐ Đức Nhật cho biết thêm: Phải xử lý hình sự những người làm giấy tờ giả và cả người sử dụng giấy tờ giả. Thậm chí phải xử lý người sử dụng giấy tờ giả nặng hơn mới đủ sức răn đe.
Nhiều BĐ cũng nêu những hệ lụy khó lường của việc sử dụng bằng giả. BĐ Mỹ Lệ cho biết: “Tôi còn nhớ gần đây có vụ giả cả giấy tờ sinh viên y khoa để đi thực tập tại bệnh viện, may sao phát hiện được. Làm giả cả bằng bác sĩ như đường dây này nữa thì kinh quá, thật xui cho ai nếu gặp phải bác sĩ dỏm này, chắc từ chết tới bị thương”. BĐ Phạm Hy lo lắng: Nếu làm giả hồ sơ nhà đất rồi đi vay ngân hàng thì làm sao thu hồi lại tiền? Thiệt hại về an ninh, kinh tế không thể lường hết được.

Cần hệ thống hóa dữ liệu công dân quốc gia

“Để tránh vấn đề này, cách tốt nhất và lâu dài là nhà nước phải hệ thống hóa được hồ sơ của công dân, bao gồm số CMND, số sổ bảo hiểm, số giấy phép lái xe, tài sản sở hữu, số tài khoản ngân hàng... Hiện tại thật sự chưa có gì hết, cùng 1 thành phố thôi mà trích lục hồ sơ thuế, hồ sơ bảo hiểm đã khó khăn, các quận quản lý tách biệt. Lên đến phạm vi cả nước là đuối luôn”, BĐ Hoa viết.

Đúng là muốn truy bằng cấp, giấy tờ giả không khó. Chỉ cần làm công văn gửi đơn vị cấp là xong. Nhưng phải chờ khá lâu. Vấn đề là nên xây dựng dữ liệu quốc gia, khi cần có thể tra trực tuyến ngay lập tức. Chứ thời 4.0 rồi mà làm công văn gửi, chờ công văn về, thì người sử dụng giấy tờ giả nếu biết họ có dư thời giờ để "chuồn" rồi.

Minh Tú

Cùng quan điểm, BĐ Dung cho biết thêm: “Tôi ủng hộ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quy mô, hiện đại. Khi cần gì, tổ chức hoặc đơn vị “gõ” mấy cái là tra được ngay. Được vậy, nạn làm giấy tờ giả sẽ giảm ngay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.