Hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ đang ở đâu?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
28/08/2020 05:29 GMT+7

Các loại giấy tờ giả đường dây này sản xuất và tiêu thụ bao gồm bằng tốt nghiệp trung học, đại học, bác sĩ, CMND, giấy phép lái xe... cho đến giấy chứng nhận nhà đất.

Hôm qua 27.8, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đã tạm giữ hình sự 18 nghi phạm trong đường dây “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức” bị triệt phá ngày 26.8. Bước đầu, cơ quan công an xác định được một số nghi phạm cộm cán tổ chức điều hành đường dây này, gồm Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, ngụ Nghệ An), Trần Đức Toàn (30 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) và Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi, ngụ Vĩnh Long).

Cận cảnh lượng lớn bằng cấp, sổ hồng, biển số xe... giả vừa bị công an thu giữ

Thủ đoạn tinh vi, khép kín

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 26.8, hàng trăm trinh sát Phòng Trọng án (Phòng 6) C02 phối hợp Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an Đồng Nai, TP.HCM đồng loạt khám xét 8 địa điểm là xưởng sản xuất, nhà riêng các nghi phạm tham gia trong đường dây.
Qua đấu tranh, C02 cũng xác định Nguyễn Trọng Dương câu kết với một số đồng bọn đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động từ năm 2017 đến nay. Riêng nguồn cung cấp phôi Dương lấy từ nghi phạm Phạm Văn Phi.
Thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi, khép kín. Máy móc Dương đầu tư có nhiều loại hiện đại để làm giấy tờ giả “cam kết giống gần như 100%”. Về kênh phân phối, Dương không nhận đặt hàng trực tiếp mà thông qua nhiều nghi can là “đại lý” vệ tinh trên toàn quốc. Các “đại lý” sẽ quảng bá thông tin trên mạng xã hội, gom đơn với số lượng lớn, rồi đặt hàng Dương làm, sau đó bán cho khách hưởng chênh lệch.
Sau đó, do mâu thuẫn trong ăn chia lợi nhuận nên Toàn, Phong mở thêm 3 xưởng sản xuất làm bằng giả, giấy tờ giả khác tại Q.Bình Tân (TP.HCM) và một số địa điểm vùng ven TP.HCM.
Sợ bị phát hiện nên Dương, Toàn và Phong cùng đàn em trong quá trình hoạt động luôn sử dụng giấy tờ giả. Những khu đất chúng tá túc hay làm xưởng sản xuất, khi đứng tên để thuê mướn chúng cũng sử dụng tên giả, hộ khẩu giả... Bọn chúng thường thuê địa điểm để sản xuất trong một thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác, đặc biệt đến mỗi nơi chúng nhanh chóng làm thân, “mua chuộc” những nhà xung quanh chỉ với một yêu cầu “có người lạ lảng vảng xung quanh thì báo ngay”.
Bộ công an bắt gần 20 nghi can làm giả giấy tờ, con dấu: Hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ đang ở đâu ?1
Vì sự tinh vi như nói trên nên Ban chuyên án đã gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nắm rõ hành tung của các đối tượng. Nhiều đàn em của nhóm này khi bị bắt cũng lúng túng khai tên chủ của mình vì chưa gặp mặt hoặc có nhiều lai lịch, nhân thân khác nhau.

Phân phối trên phạm vi cả nước

Đường dây trên nhận làm giả từ CMND, thẻ căn cước, bằng cấp trung học đến đại học, bằng bác sĩ... với giá từ 3 - 5 triệu đồng/cái. Đối với các giấy tờ như giấy tờ xe thì bán theo bộ, ví dụ như một bộ giấy tờ xe bao gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe... có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ.
Để giao hàng, chúng đặt các ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ thực hiện trong nội thành TP.HCM, mỗi lần lại đặt lấy hàng ở một địa điểm khác nhau. Nếu khách ở xa, nhóm này sẵn sàng đóng gói hàng hóa và “ship cod” (nhận hàng rồi mới trả tiền) qua đường bưu điện trên phạm vi cả nước nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh, thành phía nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ...
Qua 2 ngày khám xét, lực lượng phối hợp thu giữ nhiều con dấu, chữ ký lãnh đạo các ban ngành từ cấp Bộ đến địa phương; hàng ngàn con dấu thuộc các cơ quan hành chính trên cả nước. C02 nhận định với thời gian và quy mô hoạt động của đường dây này, ước tính hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan nhà nước.
Hiện C02 tiếp tục điều tra mở rộng đường dây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.