Phải xử nghiêm TikToker đưa tin sai sự thật

Ngọc Lê
Ngọc Lê
14/08/2022 06:02 GMT+7

Nhiều clip phản cảm, cắt xén thông tin, sai sự thật được đăng tải trên TikTok bị dư luận phản ứng. Nhiều TikToker bị cơ quan chức năng mời lên làm việc, xử phạt, nhưng vẫn còn nhiều clip có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên nền tảng mạng xã hội này.

Cùng với Facebook, YouTube, TikTok đang trở thành một trong những nền tảng mạng xã hội (MXH) phổ biến tại VN. Do thu hút lượng xem khổng lồ nên có nhiều cá nhân tự sản xuất nội dung trên TikTok nhằm kiếm tiền. Đáng nói, có những video với mục đích phản cảm, trái quy định, không đúng sự thật, nói xấu người khác gây bức xúc dư luận cũng thường xuyên xuất hiện.

N.H.M, chủ tài khoản TikTok “H.M”, làm việc tại cơ quan công an

THANH TUYỀN

Đăng clip sai sự thật về người miền trung

Mới đây nhất, liên quan vụ nam thanh niên đăng video có nội dung chỉ trích, nhận xét tiêu cực về người miền Trung khiến dư luận bức xúc, ngày 13.8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã triệu tập N.H.M (23 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai; hiện tạm trú P.4, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chủ tài khoản TikTok “H.M” để làm rõ về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân.

Trước đó, ngày 5.8, tài khoản TikTok của M. đăng tải video với nội dung “Bạn nghĩ sao về người miền Trung” thể hiện quan điểm chê bai, nói xấu người miền Trung. Video này có hơn 3,8 triệu lượt xem, 54.900 lượt thích; 23.700 lượt bình luận và 13.000 lượt chia sẻ.

Đáng chú ý, trong video này, ngoài các nhân vật khác thì chính M. trực tiếp cung cấp thông tin cho rằng “người miền Trung rất keo kiệt và bủn xỉn, hà tiện, khôn lỏi, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân, gia đình của họ trước, không có tinh thần xã hội, không có tinh thần đất nước… nên miền Trung rất kém phát triển so với những miền còn lại…”. Ngay sau khi xuất hiện trên MXH, đã có rất nhiều người lên án gay gắt, không đồng tình với ý kiến một chiều, xúc phạm của M., cho rằng hành động của M. là phân biệt đối xử, kỳ thị vùng miền. Ngoài TikTok, M. còn đăng tải video này trên trang Facebook cá nhân nhằm tăng mức độ “phủ sóng”.

Quá trình làm việc với cơ quan công an, M. thừa nhận quá trình sản xuất, chỉnh sửa, đăng tải video trên là do bản thân thực hiện. Theo đó, lúc quay video tại Quảng trường Lâm Viên (TP.Đà Lạt), dù người được phỏng vấn có cả những nhận xét tích cực về người miền Trung nhưng M. chỉ chọn những đoạn nhận xét tiêu cực, sau đó cắt ghép, chỉnh sửa thành video hoàn chỉnh chỉ chứa đựng nội dung phê phán theo ý muốn chủ quan của mình. Bản thân những nhân vật được phỏng vấn không hề biết lời nói của mình bị cắt xén. Mục đích M. làm video nêu trên nhằm “câu view”, “câu like”, thu hút nhiều người quan tâm để mình sớm trở nên nổi tiếng.

Những vụ việc tương tự không phải là hiếm. Mới đây, nhằm tăng lượng người theo dõi trên tài khoản TikTok, dù không công tác trong lực lượng công an nhưng V.M.H (22 tuổi, trú tại TP.Hà Nội) đã mặc trang phục công an rồi đăng lên để câu like. Ngày 12.8, Công an Q.Đống Đa (Hà Nội) ra quyết định xử phạt V.M.H về hành vi sử dụng trái phép trang phục Công an nhân dân theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Trước đó, vào tháng 7.2022, Công an Q.Đống Đa cũng đã lập hồ sơ xử phạt N.V.C (31 tuổi, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội) về cùng hành vi trên. C. là chủ quán cắt tóc, không công tác trong lực lượng công an nhưng đã mặc bộ trang phục công an rồi quay clip đăng tải lên Facebook.

Tin giả, tin sai sự thật đáng báo động

Lãnh đạo Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an cho rằng thời gian qua tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên internet, MXH đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp theo chiều hướng gia tăng.

Cụ thể, các tài khoản cá nhân MXH chỉnh sửa thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt, đánh lừa dư luận. Ngoài ra, xuất hiện một số đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, phát tán trên MXH… gây hoang mang dư luận. Bên cạnh đó còn tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm lôi kéo người xem để kiếm tiền. Thậm chí, một số đối tượng bất chấp, tìm mọi cách để được “nổi tiếng”.

Lãnh đạo A05 nhấn mạnh những người sử dụng MXH như TikTok đăng tải các clip, thông tin lên mạng cũng phải được kiểm chứng, đúng sự thật, không nên đăng thông tin chỉ vì câu like, câu view, trục lợi để tránh phải chịu trách nhiệm pháp lý. Mỗi người dùng MXH cũng nên tỉnh táo và sáng suốt trong việc tiếp nhận thông tin. Bởi không phải ai đăng, chia sẻ gì lên mạng thì mình cũng thích, chia sẻ, bình luận vì có thể có những thông tin không đúng sự thật.

Theo A05, trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, rà quét thông tin trên MXH; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trên địa bàn có hành vi phát tán các tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.

Bộ Công an cũng đánh giá thực tế hiệu quả công tác đấu tranh với hành vi đưa tin không chính xác, phát tán video phản cảm, độc hại trên mạng vẫn chưa tương xứng với thực trạng. Nguyên nhân là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng MXH của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”.

Theo Bộ Công an, thời gian tới sẽ chủ động rà soát, đánh giá xác định đối tượng “nguồn tin trọng điểm” để đôn đốc, hướng dẫn, điều phối tổ chức truy tìm, đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên MXH. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.