Bộ trưởng TT-TT: 'Facebook, YouTube đáp ứng 90 - 95% yêu cầu của cơ quan nhà nước'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/08/2022 13:09 GMT+7

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube đã đáp ứng 90 - 95% yêu cầu của cơ quan nhà nước về xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc.

Giải trình tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an sáng 10.8 về xử lý thông tin sai sự thật trên mạng, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, các thông tin này chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng giải trình tại phiên chất vấn sáng 10.8

gia hân

Ông Hùng cũng cho biết, một số nghị định quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý 3 năm nay, sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý. Bộ TT-TT cũng đã làm việc với các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam.

"Hiện nay, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ dưới 20% năm 2018 lên 90 - 95%", ông Hùng cho hay.

Về bóc gỡ các thông tin sai sự thật, trước 2018 chỉ bóc 5.000 tin, video, đến nay con số này tăng 20 lần, đến gần 100.000 tin, video.

Về giám sát không gian mạng, ông Hùng cho biết, Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin lên 300 triệu tin/ngày.

Từ năm 2021, Bộ TT-TT thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận phản ánh của người dân, các tổ chức về tin giả để xử lý.

“Việc bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng cũng như dọn rác trên không gian mạng là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân”, ông Hùng nêu và cho hay từ đầu năm 2022 đã xử lý hàng trăm vi phạm, một số vụ có dấu hiệu hình sự đã chuyển sang Bộ Công an. “Việc này chúng tôi nhận thức rằng cần tăng cường hơn nữa”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng thông tin, Bộ TT-TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm, phát ngôn, phát tin trên mạng xã hội, về các hậu quả có thể gây ra của các tin sai sự thật.

"Việc lên mạng xã hội không phải là vô danh mà phải là định danh để các phát ngôn có trách nhiệm hơn", ông Hùng nhấn mạnh.

26 triệu "SIM rác" chưa có thông tin đã bị cắt bỏ

Về vấn nạn "SIM rác", ông Hùng cho hay, năm 2018 số "SIM rác" chưa được khai báo đầy đủ thông tin là 26 triệu. Tuy nhiên, tới tháng 6.2022, số SIM chưa được khai báo đầy đủ thông tin thì đã được cắt bỏ khỏi toàn bộ hệ thống.

"Bộ TT-TT đang chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân gắn chip để làm chính xác lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc duy nhất", ông Hùng nói và cho biết, đây sẽ là giải pháp căn cơ.

Tới nay, các doanh nghiệp viễn thông đã kết nối và đang thực hiện rà soát với cơ sở dữ liệu dân cư và đã thực hiện được 1,5 triệu thuê bao. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ là trong tháng 9.2022, toàn bộ thuê bao điện thoại di động sẽ phải được rà soát chính xác lại theo cơ sở dữ liệu dân cư.

"SIM rác giảm thì tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh, tống tiền sẽ giảm. Thông tin chủ thuê bao chính xác thì sẽ giúp cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng người", ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.