Phản biện bà Quyết Tâm, dừng thu phí xe máy không phải chống lệnh Chính phủ

30/07/2015 15:46 GMT+7

(TNO) "Chuyện này không có gì là chống lệnh cả. Dừng thu không có nghĩa là chống lệnh. Tôi cho rằng cũng nên xem lại bản thân Nghị định 18 của Chính phủ", tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đổi với Thanh Niên Online về vấn đề thu phí xe máy tại TP.HCM.

(TNO) "Chuyện này không có gì là chống lệnh cả. Dừng thu không có nghĩa là chống lệnh. Tôi cho rằng cũng nên xem lại bản thân Nghị định 18 của Chính phủ", tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM đổi với Thanh Niên Online về vấn đề thu phí xe máy tại TP.HCM.

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Dừng thu phí xe máy không có nghĩa là chống lệnh - Ảnh: Diệp Đức Minh
Bên lê kỳ họp HĐND TP.HCM, phóng viên Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn nhanh với tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM chung quanh vấn đề thu phí xe máy.
- Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói nghị quyết thu phí xe máy vẫn còn hiệu lực, có nghĩa là vẫn cứ thu trong khi Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã có kiến nghị Chính phủ dừng thu, quan điểm của ông thế nào?
Tiến sĩ Trần Du Lịch: Trước đây, Bộ trưởng Giao Thông vận tải cho rằng thu là do quy định trong luật Giao thông đường bộ, nhưng tôi cho rằng đây là vấn đề liên quan đến Nghị định 18 của Chính phủ triển khai điều khoản về Quỹ Bảo trì đường bộ.
Bản thân tôi đang nghiên cứu điều khoản này và sẽ đề nghị làm rõ, là luật có trói buộc chuyện này không, và vấn đề quy định xe gì đóng phí bao nhiêu…
Tôi cho rằng những vấn đề này cũng phải đưa lên diễn đàn Quốc hội bàn, chứ không phải chỉ có Chính phủ quyết vì đây là chuyện liên quan đến nghĩa vụ tài chính đối với người dân. Quan điểm của tôi là không nên thu phí đối với xe máy. Bây giờ vướng quy định pháp lý chỗ nào thì mình tháo gỡ, xử lý chỗ đó.
- TP.HCM là địa phương cuối cùng chưa triển khai thu, vậy có vấn đề gì không?
Tiến sĩ Trần Du Lịch: Tôi cho rằng chuyện này không có vấn đề gì cả. Thực tế cho thấy không hợp lý thì báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ có chỉ đạo để làm chuyện này. Với đặc thù của TP.HCM thì không nên thu. Nếu có vướng mắc gì thì kiến nghị lên cấp trên.
- Nếu TP.HCM không thu hoặc hoãn thu phí thì có bị cho là “chống lệnh” Chính phủ?
Tiến sĩ Trần Du Lịch: Chuyện này không có gì là chống lệnh cả! Dừng thu không có nghĩa là chống lệnh. Tôi cho rằng cũng nên xem lại bản thân Nghị định 18 của Chính phủ. Nếu căn cứ Điều 49 của Luật Giao thông đường bộ thì Nghị định 18 phải được xem lại để phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của đông đảo người dân.
Nếu trước đây chưa đúng thì phải biểu quyết lại để dừng thu
Vấn đề thu phí đường bộ xe máy đã trở thành đề tài nóng tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 8 diễn ra từ ngày 28 - 30.7. Nhiều đại biểu hội đồng cho rằng không nên tốn thời gian vô nghĩa đề làm một việc không có hiệu quả.
Đại biểu Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết khi đi tiếp xúc, cử tri chất vấn rất mạnh và hầu hết đều muốn dừng thu. Nếu thu thì sẽ tạo nên sự bất bình.
Đại biểu Văn Đức Mười dứt khoát: “Chúng ta cần đi thẳng vào sự thật. Nếu trước đây quy định chưa đúng thì phải biểu quyết lại để dừng thu. Yêu cầu dừng thu nếu không được chấp nhận thì cần nói rõ lý do, không nên nhập nhằng lúc thì nói thu, lúc nói không thu”.
Đại biểu Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND Q.9, cho biết thời gian qua quận 9 cũng chỉ đạo rất quyết liệt nhưng chỉ thu được trên 13.000 trong số 43.700 phương tiện phải thu với số tiền 1,2 tỉ đồng.
Bà Liên cũng cho rằng việc thu không đạt hiệu quả và đề nghị dừng thu, đồng thời kiến nghị cho phép hoàn trả lại số tiền hơn 1,2 tỉ đồng mà quận 9 đã thu của người dân trên địa bàn quận trong tháng 6 vừa qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.