'Phản biện mà không có tiếp thu thì vô nghĩa'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
10/09/2020 15:23 GMT+7

Tại buổi làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn về 5 năm thi hành luật Mặt trận Tổ quốc, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký T.Ư MTTQ Việt Nam, cho rằng “ phản biện mà không có tiếp thu thì vô nghĩa”.

Ngày 10.9, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban chỉ đạo sơ kết 5 năm thi hành luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Bí thư T.Ư Đoàn.
Tham dự và chủ trì buổi làm việc, có anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; đại diện các tổ chức chính trị, xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…
"Phản biện đúng ý thì tiếp thu, không đúng ý thì bỏ"
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, T.Ư Đoàn đánh giá luật đã tạo khuôn khổ hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động của các tổ chức, trong đó có Đoàn Thanh niên.
Sau 5 năm thực hiện luật, nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân được nâng cao. Việc quan tâm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên, thanh niên được tổ chức Đoàn, Hội các cấp chú trọng
Công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng được thực hiện có hiệu quả. Năng lực tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy công tác thanh niên và giải quyết các vấn đề trong thanh niên được nâng lên.
 
Tuy nhiên, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết việc thực hiện quy định phản biện xã hội còn có nhiều vướng mắc và gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi thực hiện giám sát thì tốt rồi, nhưng còn phản biện như thế nào, phản biện cho ai, kênh gì và tiếp thu như thế nào thì còn khó khăn. Ở hầu hết các chính sách ban hành, cơ bản đều liên quan đến đối tượng thanh niên, nên nếu phản biện xong mà không được tiếp thu, có khi không được quan tâm nữa cũng gay”, anh Tuấn nói.
Đặc biệt, anh Tuấn cho biết, thời gian qua, những phản biện của tổ chức Đoàn tới các bộ ngành liên quan, có thực trạng: “Những phản biện gì đúng ý thì tiếp thu, nhưng không đúng ý thì bị bỏ sang một bên, thậm chí cũng không đưa vào văn bản tổng hợp và không phản hồi”.
Do đó, anh Tuấn đề nghị cần thế chế hóa quy định về phản biện xã hội, thành nghị định, hoặc các văn bản dưới luật, để bắt buộc trách nhiệm tiếp thu, giải trình của chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nhiều đổi mới trong tập hợp đoàn kết thanh niên
Trao đổi tại buổi làm việc, hầu hết các đại biểu đại diện cho các tổ chức chính trị xã hội là thành viên của Đoàn kiểm tra, đã nhất trí với báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của T.Ư Đoàn và đề xuất một số vấn đề T.Ư Đoàn cần quan tâm giải quyết.
Bà Bùi Thị Thơm, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cho rằng việc tập hợp đoàn viên, thanh niên và phát triển Đảng ở nông thôn còn khó khăn. Bà Thơm nói: “Tôi rất trăn trở. Đoàn hoạt động bề nổi rất tốt rồi, nhất là khối trường học và các đơn vị sự nghiệp, nhưng với doanh nghiệp và nông thôn thì còn hạn chế. Cần có biện pháp phù hợp để thu hút thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội, phát huy vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đảm bảo ly nông nhưng không ly hương”.
Đại diện Hội phụ nữ đã đánh giá cao về công tác tuyên truyền của T.Ư Đoàn và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc, đồng thời đề nghị tổ chức Đoàn cần tăng cường giám sát luật Trẻ em, để không còn tình trạng lạm dụng lao động trẻ em và bạo hành…

Anh Nguyễn Anh Tuấn nêu kiến nghị về việc thi hành luật Mặt trận Tổ quốc

Ảnh Đăng Hải

Trao đổi về các ý kiến này, anh Tuấn cũng cho biết thời gian qua, Đoàn Thanh niên đã có nhiều đổi mới trong việc tập hợp đoàn kết thanh niên. Đặc biệt là việc xung kích đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để điều hành hệ thống; hội họp trực tuyến; tập hợp các đối tượng thanh thiếu nhi…
Đồng thời, anh Tuấn cho biết hiện công tác đối ngoại thanh niên cũng chuyển đối trực tuyến và có nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, các hoạt động của thanh niên ở nước ngoài hiện còn khó khăn, do họ chưa được hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nên cần có cơ chế phối hợp để chính quyền quan tâm đến việc tập hợp đoàn kết thanh niên, sinh viên ngoài nước.
Kết luận buổi làm việc, ông Hầu A Lềnh đồng ý với những kết quả đánh giá và một số kiến nghị của T.Ư Đoàn, trong đó có kiến nghị về thể chế hóa quy định phản biện xã hội. Ông Lềnh nói: “Phản biện xã hội được thể chế hóa thành văn bản pháp lý thì rất tốt, vì phản biện xã hội rất khó và phản biện mà không có tiếp thu thì vô nghĩa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.