Cuốn sách mà theo ông là những ghi chép lại văn hóa đang tan biến trong những ảnh hưởng của toàn cầu hóa, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Trong những tác động có tính nhân loại không trừ một ai này, người nông dân cũng như văn hóa nông nghiệp chịu nhiều tác động nhất. Chính vì thế, nhiều bản sắc tập tục quê mùa đang mất dần đi. Phan Cẩm Thượng đã ghi lại những tập tục xưa, những biến đổi, cách các nghệ sĩ phản ánh quá trình thay đổi đó. Cuốn sách vì thế là tập hợp nhiều ghi chép thú vị, phảng phất cảm hứng của các ghi chép điền dã dân tộc học.
Mặc dù vậy, ông Thượng cũng tự nhận, đây chỉ là những nghiên cứu, ghi chép “đệm” để sau đó ông sẽ có những cuốn khái quát cao hơn. Về cuốn sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho rằng, đây là một vùng đệm với những bài viết có tính nghiên cứu và các bài phê bình, là các sản phẩm báo chí chuyên đề, chuyên ngành. Vùng này hấp dẫn người đọc vì dễ đọc hơn, tác giả được tự do hơn trong đưa ra các nhận xét, bình giá, các phản ứng tức thời có tính diễn đàn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý đánh giá với cuốn Nghệ thuật ngày thường tập 2, ông Phan Cẩm Thượng đã có những dòng viết hết sức thu hút, hấp dẫn, cho thấy một cái nhìn văn hóa rất “phải chăng”, không bị thiên lệch.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cũng cho rằng, Phan Cẩm Thượng đã có những tác phẩm hàn lâm xác định tầm thâm cao của nghiên cứu. Đó là các công trình uy tín như Điêu khắc cổ VN, Đồ họa cổ VN, Điêu khắc Tây nguyên, Chùa Dâu - Tứ pháp... Những công trình này có tính nền tảng để dạy, để học và nghiên cứu tiếp.
Cuốn Nghệ thuật ngày thường tập 2 do NXB Đà Nẵng xuất bản, dày 503 trang. Trong đợt này, tập 1 cuốn sách cũng được tái bản.
Bình luận (0)