Phản đối lên LHQ, Mỹ đẩy mạnh thách thức Trung Quốc trên Biển Đông

04/06/2020 07:10 GMT+7

Rạng sáng qua (3.6), viết trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo nước này vừa gửi văn bản kháng nghị lên Liên Hiệp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bước ngoặt mới

Cụ thể, nội dung văn bản (tạm gọi là công hàm), do Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đứng tên, đã nêu rõ rằng: Liên quan Công hàm số CML/14/2019 ngày 12.12.2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại LHQ gửi Tổng thư ký LHQ nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa cùng ngày 12.12.2019, thì phía Mỹ khẳng định: Nước này bác bỏ yêu sách của Trung Quốc vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982.

Văn bản của Mỹ gửi lên LHQ vẫn tránh đề cập chủ quyền chính thức của các thực thể cụ thể trên Biển Đông. Điều này phù hợp với chiến lược của Washington là hình thành một liên minh pháp lý ở Đông Nam Á liên quan Biển Đông nhằm chống lại yêu sách của Trung Quốc

GS Yoichiro Sato

Mỹ yêu cầu gửi công hàm phản đối trên đến tất cả thành viên của LHQ, đồng thời đăng tải công khai trên website của văn phòng pháp chế LHQ.
Trả lời Thanh Niên ngày 3.6, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và nay đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận xét: “Việc Mỹ đưa kháng nghị lên LHQ là một điểm đánh dấu về ngoại giao dựa trên luật quốc tế và điều lệ của LHQ. Như thế, Mỹ đã chính thức tuyên bố phản đối việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông”.
Theo ông Schuster, động thái của Mỹ còn nhằm khuyến khích các nước liên quan Biển Đông sẽ sử dụng các phương thức pháp lý trước những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc.

Hồi sinh nỗ lực pháp lý

Phải hành động nhiều hơn nữa

Động thái của Mỹ là rất quan trọng vì Trung Quốc vẫn luôn tìm cách thống trị khu vực bằng những chiêu trò giảng giải luật pháp quốc tế dựa trên lợi ích riêng. Chính vì thế, việc Washington phản đối lên LHQ là cần thiết, nhằm đảm bảo các quyền tự do hàng hải. Mặc dù vậy, nếu chỉ phản đối như thế thì chắc chắn không đủ để vô hiệu hóa các chiêu trò của Bắc Kinh, mà Washington cần phải hành động nhiều hơn nữa.
TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ)
Tương tự, trả lời Thanh Niên cùng ngày 3.6, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) đánh giá: Văn bản của Mỹ gửi lên LHQ vẫn tránh đề cập chủ quyền chính thức của các thực thể cụ thể trên Biển Đông. Điều này phù hợp với chiến lược của Washington là hình thành một liên minh pháp lý ở Đông Nam Á liên quan Biển Đông nhằm chống lại yêu sách của Trung Quốc. Trước đây, Trung Quốc chọn cách ký kết một phần Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và chọn cách thể hiện “đường lưỡi bò” một cách mơ hồ. Ký kết UNCLOS 1982, nhưng Bắc Kinh lại diễn giải tuyên bố chủ quyền nặng tính chủ quan về đường cơ sở quần đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...
“Giờ đây, phản ứng của Mỹ kết hợp cùng động thái của nhiều nước khác có thể hồi sinh cuộc chiến pháp lý, cụ thể là phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 - vốn dĩ bị Trung Quốc và chính Philippines phớt lờ. Tuy nhiên, dù cuộc chiến pháp lý đến đâu thì cũng khó ngăn chặn việc Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố hạ tầng và cơ sở quân sự trên Biển Đông để thực hiện chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận”, GS Sato bình luận.

Washington sẽ có biện pháp trừng phạt ?

Hai mục đích của Washington

Động thái của Mỹ bao hàm hai mục đích. Về mặt ngoại giao, đây là cách thu hút sự chú ý về những khía cạnh phi pháp trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhằm gây thêm áp lực cho Bắc Kinh. Về mặt pháp lý, động thái này của Mỹ nhằm thiết lập một hồ sơ về sự phản đối của Washington đối với các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Điều này rất quan trọng khi Trung Quốc liên tục có nhiều chiêu trò để “phù phép” yếu tố pháp lý liên quan chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải - AMTI, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ)
Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: Động thái của Mỹ thể hiện nhận thức và quyết tâm trong việc can thiệp vào Biển Đông, nên nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường áp lực nhằm vào Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Như thế thì Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt? Nếu có thì kịch bản của biện pháp trừng phạt như thế nào? Có thể, Mỹ sẽ yêu cầu Trung Quốc rút lực lượng khỏi các cơ sở mà Bắc Kinh đang phát triển hạ tầng trên Biển Đông. Trong giải pháp này thì gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ từ chối và đây chính là lý do để Washington đưa ra phương án trừng phạt bằng cách chế tài về mặt kinh tế nhằm vào Trung Quốc. Hiện nay, Mỹ đang có sẵn một số cơ sở pháp lý để trừng phạt kinh tế Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông. Năm 2017 và 2019, các nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu 2 dự luật trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông.
Dĩ nhiên, ngoài các biện pháp trên, khó có chuyện Mỹ trừng phạt quân sự hay tiến hành tấn công nhằm vào các cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông, vì hành động như vậy ẩn chứa rủi ro rất lớn. Dù sao đi nữa, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ còn kéo dài.

Ngăn chặn Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông

Nội dung Mỹ đệ trình phản đối lên LHQ hoàn toàn phù hợp với những gì mà nước này đã xây dựng, đánh giá về tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Việc Mỹ tiến hành động thái trên giữa bối cảnh hiện nay cũng bởi Trung Quốc gần đây liên tục có nhiều hành động thể hiện việc muốn lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để thâu tóm Biển Đông, điển hình như Bắc Kinh thành lập các cơ quan hành chính cấp quận, huyện để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.
PGS-TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines)

Bàn về động thái của Mỹ sau khi đưa ra phản đối lên LHQ, cựu đại tá Schuster cũng nhận xét: “Công hàm của Mỹ còn nhằm thiết lập sự giảng giải theo luật pháp quốc tế nhằm củng cố cho những phản ứng ngoại giao, kinh tế, thương mại, quân sự... cần thiết mà Washington có thể sẽ đưa ra nhằm ứng phó những hành động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đây là bước đi đầu tiên trong việc mở đường cho hàng loạt biện pháp cần thiết, phối hợp cùng các nước khác chống lại những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ có thể ưu tiên áp dụng những công cụ kinh tế, ngoại giao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.