Theo tìm hiểu, vụ việc clip nam quản lý đánh nhân viên xảy ra tại quán cà phê Infact (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM). Đoạn clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên mặc quần đen, áo trắng đã dùng tay đánh vào mặt của nữ nhân viên rồi giơ tay hình đấm nấm chỉ vào mặt của nhân viên. Không dừng lại ở đó, sau một hồi nói chuyện với nữ nhân viên, nam thanh niên tiếp tục có hành động đe dọa.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện lãnh đạo P. Đa Kao (Q.1, TP.HCM) xác nhận vụ việc tại quán cà phê Infact là có thật. Vị này cho biết đã chỉ đạo công an phường tiếp nhận thông tin vụ việc và mời chủ quán đến làm việc.
Clip nam quản lý đánh nữ nhân viên
Sau khi nhận được sự phản ứng từ dư luận, quán Infact Coffee đã đưa lên nội dung là quản lý đã xin lỗi nữ nhân viên đã trao đổi trực tiếp với nhau qua điện thoại và chính thức gửi lời xin lỗi đến nhau. Tuy nhiên trên dòng trạng thái đăng trên fanpage quán có nhắc thêm: “Mặc dù đã xin lỗi nhưng sự việc xuất phát từ 2 phía, không phải ngẫu nhiên mà quản lý tác động đến bạn, và đương nhiên không có nghĩa bạn sai là tụi mình được cư xử không phải phép thế nên những thông tin như tự nhiên đánh con nhà người ta, hay như 1 số page chia sẻ là không đúng sự thật”. Việc đưa ra dòng trạng thái này khiến dư luận rất phẫn nộ, nhiều người cho rằng quán đang đổ lỗi cho nữ nhân viên và bảo vệ quản lý của quán.
Chiều 30.3, phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với chủ quán cà phê nhưng bất thành (điện thoại khóa máy), quán đã đóng cửa.
Chia sẻ với chúng tôi về vụ việc nữ nhân viên bị quản lý đánh, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Việc người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người lao động; cưỡng bức lao động là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019. Tại Điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng”.
Vị luật sư này cho biết thêm Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động trong trường hợp này là nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự cho người lao động một cách kịp thời. Người lao động tránh xa cái xấu càng sớm càng tốt nên không phải báo trước.
“Ngoài ra, nếu việc xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự của người lao động một cách nghiêm trọng thì người lao động có thể ý kiến đến tổ chức đại diện người lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý người sử dụng lao động theo đúng quy định của pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Bình nói.
Bình luận (0)