Phẫn nộ với hành vi đòi nợ kiểu 'khủng bố'

25/05/2022 06:05 GMT+7

Vấn nạn đòi nợ kiểu 'khủng bố' gần đây tái xuất hiện với mật độ dày đặc trên khắp cả nước, làm bất an nhiều người và gây bất ổn xã hội. Bạn đọc Thanh Niên cho rằng đã có hành lang pháp lý chế tài hành vi đe dọa hoặc xúc phạm người khác, cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý.

Có đơn phản ánh đến Thanh Niên, bà N.T.P, chủ doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang, cho biết bà bị các đối tượng đòi nợ thuê liên tục đe dọa, dàn dựng rồi phát tán trên các nền tảng mạng xã hội hình ảnh, thông tin bịa đặt bà lừa đảo, quỵt tiền… Theo bà P., sự việc xuất phát từ việc một công nhân trong doanh nghiệp của bà vay tiền trên app.

Nhiều trường hợp không vay nợ nhưng vẫn bị “gán nợ” và bêu riếu, xúc phạm bằng thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp khác, bà Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Khánh Lâm, H.U Minh, Cà Mau), cho biết 2 tuần nửa đầu tháng 5 vợ chồng bà bị nhóm đòi nợ quấy rối, khủng bố tinh thần. Nguyên do là con của một nhân viên trong trường có vay 30 triệu đồng qua app nhưng không trả.

Tại Đồng Nai, hơn 2 tuần nay hàng chục giáo viên một trường mẫu giáo ở xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất) bị một số người khủng bố tinh thần bằng cách đăng hình ảnh lên mạng xã hội vu khống, bêu riếu, xúc phạm danh dự. Nguyên nhân xuất phát từ việc một cô giáo trong trường vay tiền qua app nhưng chưa trả…

Hà Tĩnh: Lãnh đạo phòng GĐ-ĐT, hiệu trưởng và giáo viên bị đòi nợ kiểu ‘khủng bố’

Nhiều nạn nhân lên tiếng

Sau khi Thanh Niên phản ánh tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố, rất nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết mình là nạn nhân. BĐ Quang Thạch ngao ngán: “Tôi tự nhiên “dính đạn”, không liên quan mà liên tục nhận tin nhắn đòi nợ mang tên người không quen biết. Bọn chúng dùng phần mềm nhá máy điện thoại 40 phút 1 lần suốt ngày đêm, liên tục trong 5 ngày, nhá bằng nhiều số điện thoại khác nhau”.

BĐ nvthang1984 bày tỏ sự hoang mang: “Đang yên đang lành, tự nhiên có nhân viên xưng là người của công ty ATM online nhắn tin nói tôi đang mắc nợ. Tôi đã giải thích là nhầm người, không vay tiền của công ty, số CMND và hình người vay không phải tôi. Vậy mà họ vẫn nhắn tin hăm dọa người thân tôi với lời lẽ xúc phạm. Sau đó, họ còn gọi điện cho cơ quan nơi tôi làm việc. Giờ tôi nên báo công an hay xử lý ra sao? Vì sao họ lại có thông tin của người thân tôi?”.

Cùng cảnh ngộ, BĐ Lạc Lối bức xúc: “Hai tuần nay tôi bị nhắn tin, gọi điện khủng bố bắt trả nợ, mặc dù tôi chẳng biết người vay là ai, không bà con thân thích gì hết. Tụi cho vay nặng lãi ngày càng manh động, mua thông tin cá nhân người khác để làm chuyện trái quấy”.

“Làm ăn kinh doanh, khi cho vay phải tìm hiểu khả năng trả nợ của con nợ và chấp nhận rủi ro. Người đi vay thì phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, không thể buộc những người không liên quan đến việc vay phải có trách nhiệm. Hành vi khủng bố để đòi nợ là không thể chấp nhận được”, BĐ Phuong Nguyên nêu ý kiến.

Phải truy tận nơi những hang ổ cho vay nặng lãi

Nhiều BĐ nhấn mạnh đòi nợ kiểu khủng bố là vấn nạn tái diễn chứ không mới, vì thế cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, xử lý mạnh tay, rốt ráo. “Sự lộng hành này vi phạm luật pháp đã quá rõ ràng, nhiều người không liên quan vô cớ bị sỉ nhục trên mạng xã hội. Tại sao trong tầm tay mà các cơ quan chức năng chưa giải quyết triệt để được?”, BĐ Hoàng Phước Hưng đặt vấn đề.

BĐ 87584 cùng quan điểm: “Vấn nạn này gây nhức nhối cho xã hội thời gian dài, vi phạm pháp luật trắng trợn, hành xử côn đồ, chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay? Phải truy tận gốc, phạt nặng, kể cả xử lý hình sự”.

BĐ Danh Danh cũng cho rằng: “Việt Nam có đầy đủ luật pháp để điều chỉnh, nhưng vì sao những vụ đòi nợ khủng bố thời gian qua các cơ quan hữu quan không xử lý rốt ráo? Làm nghiêm, quét cho sạch từng vụ một, truy đến nơi đến chốn, thử hỏi còn có ai dám lộng hành”.

Bên cạnh đó, nhiều BĐ đề xuất giải pháp. BĐ trangiang512 nêu ý kiến: “Cần phải có chế tài, xử lý thật nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để lộ thông tin khách hàng. Xử tội ăn cắp, mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân. Xử lý các nhà mạng không kiểm soát chặt chẽ sim rác”.

BĐ Công Bình Chính Trực kiến nghị: “Muốn dứt điểm tình trạng này, nhà nước nên xóa sổ triệt để các hình thức cho vay tín dụng đen, cho vay trên app. Cần sửa đổi bộ luật Hình sự, tăng án phạt ít nhất 10 năm tù giam mới mong răn đe được các đối tượng này. Còn các tội vu khống và làm nhục người khác thì đã có luật rồi, cơ quan công an vào cuộc điều tra thì sẽ bắt được người phạm tội thôi”.

* Tôi cũng bị vô cớ đòi nợ. Khi tôi nói sẽ ghi âm, chụp ảnh lại tin nhắn để gửi lên cơ quan công an, đối tượng còn thách thức, nói cứ gửi thoải mái. Sao mà vô lý quá.

Nhan2346

* Tôi không hiểu tại sao lại để những đối tượng này lộng hành, coi thường pháp luật như vậy? Cần phải nghiêm trị những hành động này. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt.

Nguyễn Trung

lMong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc, truy quét những mầm họa này tận gốc. Tất cả những kẻ quảng cáo cho vay kiểu tín dụng đen phải được truy quét tận gốc, phạt thật nặng từ khi nó đưa ra quảng cáo.

Lien Pham

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.