Phản tiểu thuyết là gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
23/05/2023 15:00 GMT+7

"Phản tiểu thuyết" không phải là thuật ngữ quá xa lạ đối với độc giả phương Tây, song có vẻ khá mới ở nước ta. Nó không giống với loại tiểu thuyết "phản địa đàng" (dystopia), mô tả một xã hội đáng sợ, và cũng khác với cách hiểu thông thường về tiểu thuyết.

"Phản tiểu thuyết" là thuật ngữ có nguồn gốc từ khái niệm antiroman trong tiếng Pháp, tương ứng với thuật ngữ "antinovel" (Anh), "antinovela" (Tây Ban Nha) hay "antiromanzo" (tiếng Ý)...

Phản tiểu thuyết là gì? - Ảnh 1.

Quyển Tristram Shandy của nhà văn Laurence Sterne có nhan đề đầy đủ là The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman, một quyển tiểu thuyết khôi hài, có tính tự truyện, chuyển tải loại siêu hư cấu “poioumenon”

thalia.de

Phản tiểu thuyết là gì? - Ảnh 2.

Triết gia Jean-Paul Sartre là người tạo ra thuật ngữ "antiroman" (Jean-Paul Sartre est le créateur du terme "antiroman")

Wikipédia

Dictionary.com định nghĩa: Phản tiểu thuyết là "một tác phẩm văn chương trong đó tác giả từ chối sử dụng các yếu tố truyền thống của cấu trúc tiểu thuyết, đặc biệt là trong việc phát triển cốt truyện và nhân vật (a literary work in which the author rejects the use of traditional elements of novel structure, especially in regard to development of plot and character). Nói cách khác, "Phản tiểu thuyết là bất kỳ tác phẩm hư-cấu-thể-nghiệm nào tránh xa các quy ước quen thuộc của tiểu thuyết, thay vào đó nó thiết lập những quy ước riêng" (An antinovel is any experimental work of fiction that avoids the familiar conventions of the novel, and instead establishes its own conventions - Wikipedia).

Trong phần giới thiệu tác phẩm Portrait d'un inconnu (Chân dung người lạ, 1948) của nữ văn sĩ Pháp Nathalie Sarraute, triết gia Jean-Paul Sartre đã từng sử dụng thuật ngữ "antiroman" với nghĩa hiện nay, còn người đầu tiên sử dụng từ này là nhà văn Pháp Charles Sorel, năm 1633 đã sử dụng "antiroman" để mô tả bản chất giễu nhại của quyển tiểu thuyết Le Berger extravagant của ông.

Các tác phẩm phản tiểu thuyết có khuynh hướng phân mảnh, làm biến dạng sự trải nghiệm của các nhân vật, trình bày các sự kiện bên ngoài thời gian, cố gắng phá vỡ ý tưởng của các nhân vật có tính cách thống nhất và ổn định. Một số tính năng chính của phản tiểu thuyết là không có cốt truyện rõ ràng, phát triển nhân vật một cách tối thiểu, thay đổi trình tự thời gian, thể nghiệm từ vựng và cú pháp, có thể thay thế lẫn nhau giữa sự khởi đầu và kết thúc. Tính chất đặc biệt của thể loại này là có những trang sách có thể trống trơ hoặc tháo rời, có những hình vẽ và chữ tượng hình.

Phản tiểu thuyết là yếu tố được áp dụng phổ biến trong phong trào Tiểu thuyết mới (Nouveau roman) ở Pháp khoảng từ năm 1950 đến 1970, tuy nhiên những đặc điểm tương tự có thể được tìm thấy trong lịch sử văn học. 

Phản tiểu thuyết là gì? - Ảnh 3.

Quyển Don Quixote của Miguel de Cervantes, nguyên tác tiếng Tây Ban Nha là El ingenioso hidalgo don Quijote de la Mancha; được dịch tiếng Việt với nhan đề Đông-Ki-Sốt, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha

kobo.com

Ví dụ trong quyển Tristram Shandy của nhà văn Laurence Sterne (Ailen), một quyển tiểu thuyết khôi hài, dường như có tính tự truyện, chuyển tải loại siêu hư cấu "poioumenon" khiến nhân vật thoát khỏi tuyến tính thời gian. Và đâu đó tính chất phản tiểu thuyết còn được tìm thấy trong quyển Don Quixote của Miguel de Cervantes, một tiểu thuyết đậm chất hiện thực huyền ảo.

Những thập niên sau thế chiến thứ hai, phản tiểu thuyết dần trở nên quan trọng, nổi bật như một yếu tố văn chương, cho thấy "một biểu hiện của chủ nghĩa hư vô lấp đầy khoảng trống, được tạo ra bởi sự hủy bỏ những mệnh lệnh tích cực đối với cuộc sống" (Postmodernity, Ethics and the Novel, tr. 92, của Andrew Gibson, 2002). "Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, đặc điểm nổi bật của phản tiểu thuyết là thu hút sự chú ý, tự phản chiếu và chống sao chép đối với tính hư cấu của chính nó, một yếu tố có tính chất phản hiện thực. Nghịch lý thay, thuyết chống quy ước như thế (such anti-conventionalism) cuối cùng sẽ hình thành một quy ước đặc biệt của riêng nó" (The Columbia Dictionary of Modern Literary and Cultural Criticism , tr. 57, của Joseph Childers, 1995).

Phản tiểu thuyết là gì? - Ảnh 4.

Hai tác phẩm tiêu biểu của phản tiểu thuyết theMystery.doc của Matthew McIntosh và This is Not a Novel của David Markson

barnesandnoble.com, amazon.co.uk

Bên cạnh những tác phẩm kể trên, khi nhắc đến phản tiểu thuyết, không thể bỏ qua quyển theMystery.doc của Matthew McIntosh, một tác phẩm sử dụng các yếu tố cổ điển của phản tiểu thuyết, kết hợp với sự thử nghiệm cấu trúc để tạo ra cốt truyện; This is Not a Novel của David Markson là tác phẩm được viết dưới góc nhìn của một tác giả giấu tên, đang đối mặt với cái chết cận kề, cố gắng viết một điều gì đó đúng với sự thật trước khi mất mạng. Ngoài ra, cần kể đến Dictionary of the Khazars của Milorad Pavić, một ví dụ tuyệt vời về việc nhà văn đã loại bỏ hoàn toàn cách viết tiểu thuyết truyền thống để tạo ra sự mới lạ. Đó là tác phẩm viết bằng tiếng Serbia, xuất bản năm 1984, một bộ sách không có cốt truyện thực sự, thay vào đó là ba quyển bách khoa toàn thư nhỏ, bàn về việc cải đạo của người Khazar với những "sự thật" trái ngược nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.