Dự kiến, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cùng với Nga và một số nước (hay còn gọi là nhóm OPEC+) có cuộc họp trực tuyến vào ngày mai 4.1 nhằm thảo luận về sản lượng khai thác dầu.
Giá xăng dầu trong thời gian tới có thể sẽ tăng lên |
Reuters |
Tăng cung “nhỏ giọt”
Vài năm qua, OPEC+ đã phối hợp cắt giảm khai thác để sản lượng dầu ở mức thấp nhằm giữ giá ở mức cao, hướng đến lợi nhuận nhiều hơn, nên khiến Mỹ cùng nhiều nước phản ứng. Cuối tháng 11.2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh xuất kho 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của nước này để hạ nhiệt giá dầu. Phối hợp xả kho cùng Mỹ còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh…
Tuy nhiên, như đã được dự báo trước, việc Mỹ cùng một số nước xả kho dự trữ đã cứu giá dầu gần như không đủ sức để níu kéo giá dầu xuống đáng kể. Sau số ít lần giảm nhẹ, giá dầu WTI lẫn Brent ngày 31.12.2021 đều xấp xỉ mức giá vào cuối tháng 11.2021 - khi các nước trên công bố xả kho.
Trong khi đó, Reuters vừa dẫn một số nguồn tin thân cận tiết lộ tại cuộc họp vào ngày mai, OPEC+ có thể thông qua quyết định tăng sản lượng khai thác khoảng 400.000 thùng/ngày. Mặc dù vậy, với mức tiêu thụ xăng dầu, năng lượng khí hóa lỏng toàn cầu lên đến 100 triệu thùng/ngày (theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ), thì việc OPEC+ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày chỉ là “nhỏ giọt”. Bên cạnh đó, Reuters dẫn các thống kê cho thấy dù biến thể Omicron của SARS-CoV-2 khiến nhiều nước hạn chế đi lại, nhưng kinh tế toàn cầu vẫn trên đà phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu vẫn tăng lên.
Thách thức lâu dài
Giữa bối cảnh việc hạ nhiệt giá dầu chưa có tín hiệu khả quan, vấn đề đặt ra để giảm giá dầu là phải giải được bài toán cân bằng cung cầu của thị trường dầu mỏ, chứ không phải chỉ trông chờ vào động thái của nhóm OPEC+.
Thế nhưng, liên quan vấn đề này, nhà phân tích kinh tế - tài chính Rick Newman vừa qua đánh giá Mỹ hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới, trên cả Nga lẫn Ả Rập Xê Út, nhưng chính quyền Washington lại không hỗ trợ các công ty dầu khí Mỹ gia tăng khai thác. Có một thực tế khác là trong chiến lược dài hạn, Tổng thống Biden theo đuổi việc phát triển năng lượng xanh, điển hình là thị trường ô tô điện. Chính vì thế, tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền Washington là nếu hỗ trợ các công ty dầu khí gia tăng khai thác thì sẽ xung đột với chính sách lâu dài.
Bên cạnh đó, hồi giữa năm 2021, Shell - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Anh và Hà Lan - bị một tòa án tại Hà Lan đưa ra phán quyết đến năm 2030 phải cắt giảm 45% lượng khí thải carbon trong tổng sản lượng bán ra so với năm 2019, và mức giảm phải đạt 6% trong năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ khí thải của sản phẩm dầu khí mà Shell cung cấp lại khó cắt giảm. Cho nên phán quyết trên gần như đồng nghĩa với việc Shell phải cắt giảm sản lượng khai thác.
Nhiều tập đoàn dầu khí tư nhân phương Tây không chỉ đứng trước nguy cơ phải nhận lấy các phán quyết tương tự Shell, mà còn bị sức ép ngày càng lớn hơn từ các nhà hoạt động môi trường và đặc biệt là sức ép đến từ các cổ đông đối với việc phải chịu trách nhiệm với môi trường, cắt giảm lượng khí thải. Vì thế, không chỉ Shell mà các tập đoàn tư nhân cùng ngành khác như Exxon Mobil, Chevron… cũng đang tìm cách thu hẹp hoạt động khai thác dầu khí. Như thế, ảnh hưởng của ngành dầu mỏ của Mỹ cùng các nước phương Tây sẽ giảm đi trong ngành dầu mỏ, đồng nghĩa với việc quyền quyết định của nhóm OPEC+ cũng trở nên lớn hơn.
Vì vậy, giá dầu trong thời gian tới được dự báo sẽ vẫn khó đoán và nhiều khả năng là có xu hướng tăng lên.
Bình luận (0)