Phập phồng lo hàng hóa 'tát giá' theo điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/10/2024 06:11 GMT+7

Mặc dù các chuyên gia và ngành điện đều khẳng định việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lần này chỉ "ảnh hưởng vừa phải" nhưng người dân và doanh nghiệp lại không khỏi lo lắng chi phí tăng, nhất là tình trạng "tát giá theo điện" ngoài thị trường.

Người tiêu dùng lo chi phí tăng kép

Ngày 11.10, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng thêm 4,8%, nâng tổng mức tăng giá điện trong gần 2 năm qua lên tới trên 12%. Không chỉ lo hóa đơn tiền điện tăng, nhiều người còn bày tỏ lo lắng những chi phí sinh hoạt khác sẽ "leo thang" do tác động từ việc tăng giá điện.

Phập phồng lo hàng hóa 'tát giá' theo điện- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng sớm có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản tự tiêu để giảm áp lực tiền điện tăng

ẢNH: HOÀNG NGUYỄN

Sáng 13.10, chị Nguyễn Thị Hồng, chủ tiệm ăn trên đường Lý Thường Kiệt (Q.11, TP.HCM), cho biết khá bất ngờ khi hay tin giá điện tăng vào thời điểm này. "Giá điện tăng thì chấp nhận, vì điện xưa giờ chỉ có tăng giá chứ chưa thấy giảm. Nhưng tăng tiền điện vào lúc này là rất đáng lo, bởi chỉ còn vài tháng nữa là tết, giá cả hàng hóa tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng theo và neo cao đến tết luôn. Mọi năm, sau mỗi lần giá điện tăng, thường ngành công thương nói sẽ kìm giá, quản lý giá tốt. Thế nhưng, mình đi chợ hằng ngày thấy giá cả rau thịt cá tăng rất rõ rệt. Sau khi tăng rồi sẽ không giảm nữa. Năm ngoái, sau khi ngành điện thông báo tăng 4,5% giá điện, chỉ sau 1 tuần đi chợ, thịt sườn non, thịt ba chỉ giá tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng một ký. Các mặt hàng rau cũng vậy, rau muống từ 20.000 đồng một bó, bây giờ hơn 30.000 đồng mới xào được một đĩa…", chị Hồng nói.

Chị Hồ Thị Sửu, làm giúp việc theo giờ, đang thuê nhà trọ trên đường Nguyễn Sơn (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết hiện giá điện chủ nhà đang thu của gia đình chị là 3.200 đồng/kWh. Mỗi tháng, 2 mẹ con chị trả tiền điện rất cao, khoảng 700.000 đồng. "Tối hôm qua chủ nhà đang xem ti vi, thấy tôi đi làm về đã gọi lại bảo tháng tới tiền điện tăng vì nhà nước vừa tăng giá điện. Tôi nghe chỉ biết gật đầu. Công việc bấp bênh, không ổn định, con gái lại đang học năm cuối phổ thông, chi phí rất nhiều. Tổng tiền nhà trọ và tiền điện nước chủ nhà thu của mấy mẹ con một tháng 2,5 triệu đồng, nay tiền điện tăng tiếp, có ráng làm kiểu gì cũng không đủ. Tôi ráng kiếm thêm từng đồng cho con học, nhưng cuộc sống quá khó khăn", chị Sửu nói.

Theo chính sách an sinh xã hội của ngành điện, hộ dùng dưới 100 kWh sẽ trả mức thấp hơn giá bán lẻ bình quân; nếu dùng từ 101 - 200 kWh/tháng - nhóm khách hàng lớn nhất của ngành điện - số tiền mà hộ gia đình trả theo bảng giá mới cũng chỉ tăng thêm 19.000 đồng/tháng; dùng từ 201 - 300 kWh/tháng cũng chỉ trả thêm hơn 32.000 đồng; từ 400 kWh trở lên trả thêm khoảng 62.000 đồng/tháng. Số tiền tăng thêm này không quá lớn, nhưng các hộ gia đình thuộc diện hưởng giá điện theo mức hưởng an sinh xã hội như gia đình chị Sửu do ở trọ, thường trả giá điện theo chủ trọ quy định nên cũng khó hưởng điện giá rẻ.

Khảo sát của Thanh Niên cho thấy đa số người tiêu dùng lo lắng hàng hóa "tát giá" theo điện. Chị Nguyễn Hoàng Trang (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhân viên văn phòng, chia sẻ: "Còn hơn 2 tháng nữa là hết năm 2024 và hơn 3 tháng là tết âm lịch, nhu cầu mua sắm sẽ tăng. Điều đáng lo ngại là giá cả hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng bởi chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng. Thường các doanh nghiệp sẽ cam kết giá cả bình ổn, nhưng chỉ được một số mặt hàng. Chi phí sản xuất tăng, không thể buộc họ bán giá thấp được. Chỉ có người đi chợ mới thấy rõ giá cả âm thầm tăng sau mỗi kỳ giá điện tăng, và năm nay giá hàng hóa có thể tăng sớm hơn so với việc chờ đến tết mới tăng".

Doanh nghiệp lo lợi nhuận "teo tóp"

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM, chia sẻ giá điện tăng là điều khó tránh khỏi bởi chi phí sản xuất điện tăng. Tuy nhiên, việc tăng này cũng hơi đột ngột và tăng vào dịp cuối năm, sẽ khiến không ít doanh nghiệp trở tay không kịp.

"Cá nhân tôi hơi bất ngờ khi hay tin giá điện tăng lúc này bởi nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều sau cơn bão lũ lịch sử. Tuy xảy ra ở các tỉnh miền Bắc, nhưng thiệt hại cho nền kinh tế là thiệt hại chung. Trong thực tế, nhiều đơn hàng sản xuất xuất khẩu bị chậm giao, bị phạt do ảnh hưởng bão. Rồi doanh nghiệp sản xuất có nhà máy ngay trong vùng bão lũ, bị ảnh hưởng nặng nề, mất điện kéo dài… Nay tăng giá điện, doanh nghiệp nhận "cú bồi" khó khăn. Với ngành cơ khí, điện lạnh, doanh nghiệp công nghiệp dùng điện 3 pha, tiêu thụ điện lớn, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Nói chung, khó khăn đeo bám, chi phí tăng thì lợi nhuận "teo tóp" dần, doanh nghiệp khó khỏe được", ông Đỗ Phước Tống nói.

Kinh doanh hàng lạnh, sử dụng hàng ngàn kWh điện mỗi tháng nên ông N.T.L, đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt, thủy hải sản đông lạnh (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM), đang hết sức áp lực. Đến nay, công ty đã đầu tư điện mặt trời được gần 1 MW, gần 3/4 nguồn điện còn lại phải mua từ Tập đoàn Điện lực VN (EVN). Với mức tăng gần 5%, quý cuối năm của công ty sẽ chật vật hơn nhiều.

"Kinh doanh mặt hàng đông lạnh đang chịu áp lực cạnh tranh về giá rất lớn. Trong khi các quy định kiểm định thực phẩm mới được ban hành đang khiến nhiều chi phí đội lên, thêm giá điện tăng, rồi một số mặt hàng nhập khẩu, lưu kho, khó có lãi trong lúc này. Kinh doanh mà không có lãi, hoặc lãi quá thấp thì làm sao "nuôi" nổi doanh nghiệp? Dự báo khó khăn chồng khó khăn trong những tháng cuối năm", ông N.T.L bộc bạch.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty CP quốc tế Dony, thì nơm nớp lo điện thiếu ổn định. "Trong những ngày công ty phải huy động tổng lực để sản xuất kịp giao hàng cho khách, chỉ cần điện chập chờn mất nửa tiếng hay cắt điện có báo trước từ 1 - 2 tiếng đồng hồ, mọi hoạt động sản xuất sẽ bị ngưng trệ dây chuyền, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ đơn hàng. Doanh nghiệp theo đó bị ảnh hưởng uy tín lẫn chất lượng hàng hóa. Thế nên, theo tôi, đã tăng giá điện thì ngành nên đảm bảo việc cung ứng điện ổn định, chất lượng hơn", ông Anh góp ý.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện cứ tăng 10% sẽ tác động khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33%. Thế nên, trong thời gian tới, khi hoạt động sản xuất hồi phục và tăng trưởng tốt thì việc sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng càng tăng kết hợp với việc tăng giá điện sẽ tác động lên CPI. Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng đưa ra nhiều gói hỗ trợ hay nới lỏng chính sách tiền tệ và đẩy mạnh đầu tư công. Những yếu tố trên có thể tạo sức ép lên mặt bằng giá từ nay đến cuối năm.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận xét: Với ngành sản xuất, đặc biệt sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về chi phí khi giá điện tăng ngay trong quý cuối năm, kéo giá thành, giá bán ảnh hưởng theo.

"Nay giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8%, chi phí điện vào giá vốn bán hàng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Cần lưu ý là từ tháng 5 năm ngoái đến nay, giá điện đã tăng 3 lần, tổng mức tăng 12%. Tình hình này có thể sẽ gây áp lực lên lạm phát cuối năm khi mà chỉ số tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và các hoạt động ăn uống phục vụ tết sẽ ảnh hưởng bởi thời gian cuối năm đã cận kề, sản xuất tăng. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đơn hàng xuất khẩu có tăng sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ điện tăng. Thế nên, doanh nghiệp sản xuất lại thêm một quý cuối năm khá chật vật. Cố gắng co kéo lắm mới giữ được chút lợi nhuận", tiến sĩ Việt lo ngại.

Việc tăng giá điện chậm rơi vào quý cuối năm, sẽ gây ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa biến động, tăng theo giá điện. Giá cả một số mặt hàng có thể bị ảnh hưởng do nhu cầu sản xuất, tiêu thụ tăng, kéo nhu cầu sử dụng điện tăng. Thế nên, cơ quan quản lý giá cả hết sức chú ý và ngăn chặn ngay hành vi "tát nước theo giá điện" từ nay đến cuối năm.

PGS-TS Ngô Trí Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.