Pháp siết chặt an ninh trước đại biểu tình

Bảo Vinh
Bảo Vinh
08/12/2018 11:00 GMT+7

Khoảng 89.000 nhân viên an ninh cùng nhiều xe bọc thép được triển khai trên toàn nước Pháp nhằm đối phó với cuộc biểu tình lớn dự kiến diễn ra ngày 8.12.

Chính quyền Pháp đã tăng cường an ninh trên toàn quốc, đặc biệt tại thủ đô Paris, nhằm ngăn chặn bạo lực bùng phát trong cuộc biểu tình của những người mặc Áo phản quang vàng phản đối tăng giá nhiên liệu. Bắt đầu từ ngày 17.11, phong trào đến nay bước sang tuần thứ tư nhưng vẫn không bớt sự căng thẳng và sức ép lên chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Để ngăn tình trạng bạo lực kinh hoàng như hồi cuối tuần trước, Pháp đã triển khai 89.000 cảnh sát trên toàn quốc, trong đó có 8.000 người tại thủ đô Paris, theo Reuters.
Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết hiến binh sẽ lần đầu tiên sử dụng xe bọc thép kể từ năm 2005 để kiểm soát đám đông và xử lý những trường hợp “ngoại lệ”. Ông Philippe nói: “Chúng ta đang đối mặt với những người đến đây không chỉ để biểu tình mà còn đập phá, vì vậy cần có công cụ để không cho họ tự tung tự tác”.
[VIDEO] Khói lửa, vòi rồng, quốc ca Pháp: 5 cảnh tượng khắc họa đợt biểu tình rung chuyển nước Pháp
Ở Paris, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như tháp Eiffel hay Bảo tàng Louvre sẽ đóng cửa trong ngày 8.12. Hai lễ hội âm nhạc ở Paris bị hoãn, còn Khải Hoàn Môn tiếp tục bị phong tỏa. Chính quyền cũng chỉ thị toàn bộ cơ sở kinh doanh dọc đại lộ Champs-Élysées phải đóng cửa và dọn dẹp tất cả đồ vật, bàn ghế bên ngoài có thể bị dùng làm công cụ phá hoại. Ít nhất 6 trận đấu thuộc giải bóng đá vô địch quốc gia Pháp (Ligue 1) dự kiến diễn ra ngày 8.12 cũng bị dời sang ngày khác. Ngoài ra, chính quyền cũng cân nhắc điều binh lính thuộc lực lượng chống khủng bố làm nhiệm vụ bảo vệ các tòa nhà công cộng. Tại các thành phố khác, nhiều biện pháp đã được thiết lập do lo ngại người biểu tình chuyển hướng vì an ninh tại thủ đô bị siết chặt.
Đến nay, ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các vụ bạo lực liên quan đến phong trào biểu tình. Từ chỗ phản đối việc tăng thuế môi trường khiến giá nhiên liệu tăng theo, cuộc biểu tình sau đó lôi kéo thêm nhiều tầng lớp và đặt ra nhiều yêu sách mới như đòi đánh thuế người giàu, nâng lương tối thiểu. Chính quyền hôm 5.12 đồng ý xuống thang khi loại bỏ đề xuất tăng thuế môi trường áp vào xăng dầu trong ngân sách năm 2019, đồng thời cân nhắc nâng lương tối thiểu. Tuy nhiên, biểu tình và bạo lực vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi. AFP dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ cho biết gần 280 trường trung học bị ảnh hưởng trong cuộc biểu tình ngày 6.12 nhằm phản đối cải cách thi cử và hơn 700 học sinh bị tạm giữ. Trong khi đó, nhiều nhóm nông dân và tài xế xe tải thông báo sẽ tiếp tục biểu tình và đình công trong ngày 9.12.
Phong trào biểu tình này được cho là cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với chính quyền Tổng thống Macron kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5.2017. Theo AP, các nghị sĩ thuộc đảng Xã hội, đảng Nước Pháp Bất khuất và đảng Cộng sản dự kiến yêu cầu quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Macron vào ngày 10.12. Giới quan sát nhận định ông Macron có thể không mất chức vì đảng Cộng hòa Tiến lên (LREM) chiếm thế đa số tại quốc hội, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của vị tổng thống 41 tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.