Pháp siết chặt kiểm duyệt mạng xã hội

18/05/2020 08:45 GMT+7

Quốc hội Pháp đã thông qua luật phát ngôn thù hận gây tranh cãi, theo đó họ sẽ xử phạt các mạng xã hội nếu không xóa một số nội dung “bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ và một số trường hợp là chỉ 1 giờ.

Các quy định mới kêu gọi các nền tảng công nghệ loại bỏ phát ngôn hận thù về phân biệt chủng tộc, tôn giáo, xu hướng tình dục, giới tính hoặc khuyết tật cũng như quấy rối tình dục… trong vòng 24 giờ sau khi bị người dùng “gắn cờ”. Riêng các nội dung khiêu dâm trẻ em và khủng bố phải được xóa bỏ trong vòng 1 giờ sau khi bị gắn cờ.
Nếu không thực hiện đúng quy định này, các nền tảng mạng xã hội có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 1,25 triệu euro. Tuy nhiên, nếu mạng xã hội loại bỏ nhầm một nội dung mà sau đó xem xét lại được cho là không vi phạm thì sẽ không bị phạt.
Một số chuyên gia pháp lý và các nhà hoạt động lo ngại dự luật này sẽ cấp cho chính phủ quyền lực chưa từng có để kiểm duyệt các hoạt động trực tuyến. Người phát ngôn của La Quadrature du Net, một hiệp hội chống kiểm duyệt và giám sát trên internet của Pháp chia sẻ với CNN rằng, luật này có thể cung cấp “một công cụ lạm dụng quyền lực và kiểm duyệt internet vì mục đích chính trị” cho giới lãnh đạo Pháp. Người phát ngôn của tổ chức này tuyên bố: "Một trong những mối nguy hiểm của dự luật này là nó có thể chống lại các nhà báo, các nhà hoạt động và các nhà nghiên cứu vốn cần được bảo vệ. Sẽ không ai biết chính xác nội dung nào nên được coi là 'bất hợp pháp' trực tuyến trước khi nó được thảo luận công khai và xem xét kỹ lưỡng".
Vào tháng 11, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Pháp hoãn việc thông qua dự luật cho đến khi Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, một cuộc đại tu về cách điều chỉnh các nền tảng kỹ thuật số, được triển khai trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Nhưng các quan chức Pháp đã bỏ qua những lo ngại này và cho rằng họ sẽ “dựa vào luật phát ngôn thù hận quốc gia để cân nhắc Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số do EU đề xuất”. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa bao giờ che giấu tham vọng của mình trong việc kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Twitter.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.