Cái lợi về kinh tế mà ông phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ ra là khá rõ. Con số của nhiều công trình sai phạm áp dụng biện pháp này có thể mang lại cho ngân sách của tỉnh hàng trăm tỉ. Thế nhưng, đó chỉ là cái lợi nhỏ.
Chấp nhận cái lợi nhỏ về kinh tế để “phạt cho tồn tại” có thể dẫn tới nhiều cái hại lớn. Đó là sự khinh nhờn đối với tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như chính quyền. Đó còn là niềm tin của người dân bị hao hụt, khi việc phạt cho tồn tại luôn là kẽ hở tiềm năng cho sự hợp pháp hóa những sai phạm; thậm chí là những “nhóm lợi ích”.
Những lý lẽ trên cũng cũ như tình trạng xin nộp phạt để được tồn tại diễn ra trên khắp cả nước, không chỉ riêng ở Khánh Hòa. Đó là câu chuyện hàng trăm công trình được xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn hay tòa nhà 8B Lê Trực, chung cư HH Linh Đàm ngay giữa thủ đô hay chung cư Mường Thanh tại Đà Nẵng... Thế nhưng, sự thiếu quyết liệt trong xử lý, tâm lý “du di”, “phạt cho tồn tại” của chính quyền nhiều địa phương đã khiến việc xử lý các công trình sai phạm trở nên chậm trễ và để lại nhiều hệ quả dai dẳng. Thậm chí, có những công trình sai phạm mà người đứng đầu Chính phủ phải lên tiếng bằng văn bản, phê bình chính quyền xử lý chậm như công trình 8B Lê Trực song sau 5 năm kể từ khi bị phát hiện, những sai phạm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong 5 năm qua, đã rất nhiều lần tình trạng “phạt cho tồn tại” được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội. Cũng trong một lần trả lời chất vấn hồi cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, Chính phủ đã ban hành nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 1.1.2018 không còn việc phạt cho tồn tại. Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.
Do đó, việc các đại biểu HĐND của Khánh Hòa phản đối đề xuất cho tồn tại các công trình sai phép để thu ngân sách là đúng. Bởi lẽ, nó không chỉ ảnh hưởng tới tính nghiêm minh của chính quyền và niềm tin của người dân mà lại còn trái quy định.
Nếu chính quyền cứ thỏa hiệp với những sai phạm chỉ vì vài trăm tỉ tiền phạt hành chính thì hậu quả sẽ cực kỳ tai hại, khi nó tạo ra những tiền lệ xấu trong cách thức xã hội vận hành. Nói như đại biểu Dương Trung Quốc - người đã ít nhất 3 lần kiến nghị Chính phủ sớm chấm dứt tình trạng “phạt cho tồn tại” trên các diễn đàn Quốc hội: “Nếu chúng ta không ngăn chặn ngay thì hậu quả ngày càng lớn, đến lúc không thể giải quyết nổi”.
Bình luận (0)