Phật - Đạo - Nho trong thư pháp Trương Lộ

03/04/2021 06:08 GMT+7

Hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật thư pháp, lần đầu tiên thư họa gia Trương Lộ ra mắt triển lãm cá nhân.

Giới hạn của thư pháp, chỉ gồm nét, không gian và hai màu đen - trắng, làm sao để tác phẩm thư pháp đẹp cả về hình thức, bố cục, ngữ nghĩa, nội dung… là điều các thư pháp gia luôn kiếm tìm. Ở nghệ thuật thư pháp vùng Chợ Lớn, thư pháp gia - họa sư - nghệ nhân nhân dân Trương Lộ là một trong số các thư họa gia định hình một phong cách đặc biệt, biến giới hạn của nghệ thuật thư pháp thành vô hạn của nét, của không gian, gọi thành “bút ca mực vũ” thông qua các sáng tác của mình.
Thư họa sư Trương Lộ từng tham gia nhiều triển lãm, nhưng đây là lần đầu tiên ông tổ chức triển lãm cá nhân với 95 tác phẩm gồm các thể chữ khó như đại triện với giáp cốt, kim văn, rồi tiểu triện cho đến phổ thông với hành, lệ, thảo, khải… mang nội dung gắn liền với ngữ nghĩa và triết lý Phật - Đạo - Nho.
Người đến tham dự triển lãm thấy ở đó những vần thơ, những trích đoạn đầy cảm xúc của Lý Thái Tông, Trần Nhân Tông, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Bảo Định Giang… bằng chữ Nôm, Hán Nôm, uyển chuyển mạc vận với một bút lực sung mãn, đầy xúc cảm.
“Tôi chọn mạch đề tài Phật - Đạo - Nho, bởi trong đó hội tụ văn hóa nghệ thuật truyền thống, những bài học, triết lý tinh túy qua ngàn năm tồn tại mà vẫn không lỗi thời. Nhìn vào con chữ của cổ nhân, tôi cảm thấy như được gần gũi với họ, học được từ đó đạo đức, tinh thần…, những thứ mà bây giờ không dễ tìm”, Trương Lộ nói về triển lãm đầu tay.
Một dấu ấn nổi bật trong các tác phẩm tại triển lãm là yếu tố “họa” - một thế mạnh của tác giả, được biểu đạt rõ nét. Dù nhận định rằng thư pháp và hội họa hoàn toàn khác nhau, thư pháp không có màu, chỉ có nét và không gian, nhưng Trương Lộ đã chuyển tải những đường nét, những nguyên tắc quy phạm con chữ tiệm cận gần ranh giới hội họa thông qua kỹ thuật xảo diệu của bút pháp, mạc vận (mực loang), tạo cho con chữ ẩn chứa vẻ đẹp hội họa qua từng nét thể hiện.
Có thể xem lối dụng nét ấy trong thư pháp Trương Lộ rất quen với phong cách của hội họa trừu tượng. Các con chữ tác giả không được phép sửa, không được viết sai, phải đủ hình, đủ nét, và chỉ dùng nét để biến tấu, kết hợp bố cục không gian, tạo thành tác phẩm mới, đầy đủ trong đó cá tính của người nghệ sĩ, giàu mỹ cảm, nhưng vẫn không mất đi yếu tố truyền thống, dân gian. Chưa đề cập đến ngữ nghĩa của từng con chữ, đã thấy ở đó chất họa ngồn ngộn được phô diễn trên giấy, toan. Xem triển lãm, mới thấm hơn câu nói của người xưa khi xếp thứ bậc các môn chơi phong lưu với chơi chữ là khó nhất, rằng: “Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng”.
Thư họa gia Trương Hán Minh - Nghệ nhân Nhân dân, khi tham quan triển lãm cũng đưa ra nhận định: “Thư pháp Trương Lộ như bút ca mực vũ, nét rồng bay, phụng múa, thành ra một cá tính riêng. Triển lãm là một dấu ấn để người yêu thích môn nghệ thuật này có dịp tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi và kế thừa. Đó là mong muốn của tác giả và cả những người làm nghệ thuật trong Hội thư pháp chúng tôi”.
Triển lãm thư pháp Phật - Đạo - Nho diễn ra đến hết 6.4 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.