Độc đáo thư pháp viết trên lá sen của thầy giáo miền Tây

22/07/2020 01:00 GMT+7

Thầy Trịnh Phi Long, giáo viên trường tiểu học Hòa Bình B (H.Tam Nông, Đồng Tháp), khiến nhiều người kinh ngạc bởi nghệ thuật viết thư pháp trên lá sen.

Thổi ‘hồn’ vào lá sen

Thầy Phi Long kể từ nhỏ được ông nội truyền cảm hứng viết thư pháp nên khi mới học lớp 7, thầy đã luyện chữ. Đến thời sinh viên, nhờ năng khiếu này, thầy thường viết liễn đem bán để góp tiền ăn học. Sau khi tốt nghiệp, làm giáo viên tại trường tiểu học Hòa Bình B, thầy vẫn gắn bó với dòng tranh thư pháp, rồi mở cơ sở tại nhà để lúc rảnh có thể thỏa sức với đam mê.

Mỗi lá sen có hình dạng và đường gân khác nhau khiến cho dòng tranh trên lá sen trở nên khác biệt, độc đáo

ẢNH: DUY TÂN

Nhận thấy các bộ phận của cây sen đều có thể sáng tạo nghệ thuật, từ năm 2017, thầy Long bắt đầu mày mò sáng tạo dòng tranh thư pháp trên lá sen. “Thay vì viết thư pháp trên chất liệu truyền thống như vải, giấy, gốm..., tôi quyết định chọn lá sen để sáng tạo nghệ thuật nhằm tạo ra sản phẩm mang đậm nét vùng đất Sen hồng”, thầy Long nói.
 

Viết thư pháp trên lá sen rất khó bởi có nhiều gân, đòi hỏi kỹ thuật và độ tỉ mỉ cao

ẢNH: DUY TÂN

Điểm đặc biệt ở lá sen là mỗi lá có hình dạng, đường gân khác nhau. Đây là yếu tố khiến cho dòng tranh trên lá sen trở nên khác biệt, độc đáo nhưng cũng là thách thức rất lớn trong việc sáng tác.
Theo thầy Long, để viết được thư pháp trên lá sen phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên là tuyển chọn lá trước khi hái, sau đó mang về sấy khô để giữ nguyên vẹn hình dáng, màu sắc; dán cố định tạo nền; phơi trong bóng râm từ 10 - 15 phút… Lá sen sau khi được xử lý bằng công nghệ hiện đại sẽ vừa mềm, vừa tăng độ kết dính và độ bền.
 
 

Chữ “Tâm” được thể hiện sinh động trên mỗi lá sen khác nhau

ẢNH: DUY TÂN

Khâu quan trọng nhất là viết thư pháp. So với những chất liệu thông thường thì lá sen rất khó viết bởi có nhiều gân. Chất liệu mực cũng phải phối trộn sao cho không phai, không lem và nổi trên nền lá sen. “Với chất liệu thông thường, mỗi nét bút tôi đi một nét chữ, không phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Thế nhưng trên lá sen thì khác, phải định hình trước bố cục, chữ và kỹ thuật đi bút để cho đường nét hài hòa, mạch lạc hơn”, thầy Long chia sẻ.
Mở lớp dạy miễn phí
Theo thầy Phi Long, tùy nội dung, kích thước của bức thư pháp, thầy mất trung bình 2 - 3 tiếng để hoàn thành một tác phẩm. Riêng những tác phẩm có kích thước lớn thì mất thời gian hơn 1 tuần.
 
 

Vẽ trên lá sen phải định hình trước bố cục, chữ và kỹ thuật đi bút, để cho đường nét hài hòa

ẢNH: DUY TÂN

Đến nay, thầy Long đã cho ra đời hơn 400 tranh thư pháp trên lá sen, mỗi bức có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy kích cỡ, số lượng chữ... Tranh được đóng khuôn thành phẩm đẹp mắt nên được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm đặt mua.

Thầy Phi Long (phải) với tác phẩm thư pháp trên lá sen độc đáo

ẢNH: DUY TÂN

Hiện thầy Phi Long đang mở lớp dạy viết thư pháp tại Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp; đồng thời chuẩn bị mở lớp dạy nghề miễn phí cho các bạn trẻ có niềm đam mê dòng tranh thư pháp. Sắp tới, thầy giáo miền Tây này còn dự định liên kết với các đơn vị làm tour du lịch lữ hành và khu du lịch địa phương để tổ chức tham quan, trải nghiệm viết thư pháp tại cơ sở.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.