(TNO) Nhà chức trách Mỹ vừa tìm thấy cuốn nhật ký đã thất lạc từ lâu của Alfred Rosenberg, một trong những kẻ thân tín nhất của Adolf Hitler tại một nhà riêng ở ngoại ô New York, theo hãng tin Reuters.
Theo phân tích sơ bộ của các chuyên gia thuộc Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân tội ác diệt chủng (Mỹ) thì cuốn nhật ký viết tay hơn 400 trang nói trên là bức tranh khái quát những hoạt động của Rosenberg từ mùa xuân 1936 đến mùa đông 1944.
Kế hoạch chiếm đóng Liên Xô
Trong đó, Rosenberg đã phác thảo kế hoạch chiếm đóng Liên Xô và tàn sát người Do Thái cũng như người dân các nước Đông u khác. Ngoài ra, nhật ký còn cung cấp nhiều chi tiết về các cuộc họp giữa Rosenberg với Hitler và các nhân vật đầu não khác của Đức Quốc xã, trong đó có cả Heinrich Himmler, chỉ huy trưởng lực lượng SS và Herman Goering, từng được coi là nhân vật số hai của Đức quốc xã.
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện bảo tàng thì: “Tài liệu này có một tầm quan trọng đáng kể trong việc nghiên cứu thời kỳ Đức Quốc xã, đặc biệt cuộc tàn sát đẫm máu người Do Thái. Việc phân tích cuốn nhật ký có thể giúp làm sáng tỏ thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách của Đế chế thứ ba. Nó là nguồn thông tin quan trọng đối với các nhà sử học”.
|
Theo Reuters, các chuyên gia cũng cho biết thêm một số thông tin trong nhật ký có vẻ mâu thuẫn với những tài liệu đã từng được công bố trước đây. Tuy nhiên những thông tin cụ thể vẫn còn trong vòng bí mật vì nhà chức trách Mỹ nhiều khả năng sẽ không công bố thêm các chi tiết trong nhật ký, và nhấn mạnh bản phân tích của Viện bảo tàng chỉ là sơ bộ.
Sinh năm 1893, Alfred Rosenberg là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của Đức Quốc xã, đặc biệt trong lĩnh vực chủng tộc, và từng là Bộ trưởng đặc trách lãnh thổ phía Đông dưới thời Hitler.
Nhân vật này còn là Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc nhiệm Reichsleiter Rosenberg, là đơn vị chuyên cướp bóc và thu giữ các tài sản tôn giáo, văn hóa và nghệ thuật một cách có hệ thống trên khắp châu u.
Năm 1945, Alfred Rosenberg bị tòa án Nuremberg kết tội có hành vi chống lại loài người và bị hành quyết bằng cách treo cổ ngày 16 tháng 10 năm 1946.
Mất tích bí ẩn
Cuốn nhật ký của Rosenberg, từng được các công tố viên giữ làm bằng chứng, đã biến mất một cách bí ẩn sau khi phiên tòa kết thúc.
Robert Kempner, công tố viên tại tòa án Nuremberg, bị giới chức Mỹ nghi ngờ đã lén mang cuốn nhật ký về Mỹ.
Sinh trưởng tại Đức nhưng Kempner đã đến Mỹ vào thập niên 1930 để chạy trốn Đức Quốc xã và trở về Đức sau khi diễn ra các phiên tòa thời hậu chiến.
Trong hồi ký của mình, ông Kempner đã trích dẫn một số đoạn nhật ký Rosenberg. Và vào năm 1956, một nhà sử học người Đức cũng đã công bố phần nhật ký từ năm 1939 đến năm 1940, nhưng phần chính vẫn chưa xuất hiện.
Sau khi Kempner qua đời năm 1993 ở tuổi 93, đã xảy ra cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài nhằm giành quyền sở hữu tài liệu của người quá cố giữa các con ông, cựu thư ký của ông và Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân tội ác diệt chủng.
Sau đó, các con ông đã đồng ý trao cho Viện bảo tàng số tài liệu đó nhưng khi các nhân viên bảo tàng đến nhà ông vào năm 1999, họ phát hiện hàng ngàn trang tài liệu đã bị mất, trong đó có cả cuốn nhật ký của Rosenberg.
Sau năm 1999, FBI đã mở cuộc điều tra hình sự các tài liệu bị mất tích, nhưng không thu được kết quả nào.
Đầu năm nay, nhân viên Viện bảo tàng và đặc vụ FBI đã tìm ra dấu vết cuốn nhật ký tại nhà học giả Herbert Richardson ở thành phố Buffalo, bang New York. Tuy nhiên, ông Richardson từ chối bình luận về cuốn nhật ký.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết các chi tiết sẽ được công bố tại cuộc họp báo tại Delaware vào hôm nay, 13.6.
Nguyên Giang
>> Người phụ nữ nếm thức ăn cho Hitler lên tiếng
>> Kịch bản tấn công Mỹ của Hitler
>> Tiết lộ về người Do Thái duy nhất Hitler muốn cứu
>> Hitler bị chứng hoang tưởng và động kinh
Bình luận (0)