Nhằm tìm hiểu xem trồng thêm cây xanh tác động thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tim của người dân, các nhà khoa học tại Đại học Louisville (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu bao gồm 750 người sống ở Nam Louisville - khu dân cư thu nhập thấp, có đường xa lộ chạy cắt ngang. Những cư dân này có độ tuổi từ 25 đến 75.
Họ đã thu thập mẫu máu, nước tiểu, móng tay và tóc, cũng như dữ liệu sức khỏe của những người tham gia trước khi bắt đầu nghiên cứu.
Sau đó, từ năm 2019 - 2022, nhóm nghiên cứu đã cho trồng thêm gần 10.000 cây xanh ở một khu vực và khu vực còn lại vẫn giữ nguyên để đối chứng.
Năm 2023 và 2024, họ đã lấy mẫu mới từ cư dân sống ở cả hai khu vực.
Kết quả hết sức bất ngờ, cư dân sống trong khu vực trồng thêm cây xanh đã giảm 13% mức protein phản ứng C độ nhạy cao (hs-CRP). Đây là dấu hiệu trong máu liên quan đến bệnh tim - bao gồm đau tim, đột quỵ và bệnh động mạch vành, theo NBC News. Ngoài ra, chỉ số hs-CRP cao cũng liên quan đến ung thư và tiểu đường.
Người dẫn đầu nghiên cứu, tiến sĩ Aruni Bhatnagar, giáo sư y khoa tại Đại học Louisville, cho biết mức giảm này tương tự như khi tập thể dục thường xuyên.
Phó giáo sư, tiến sĩ Peter James, giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại Trường Y Đại học California (Mỹ), dù không tham gia nghiên cứu, cũng cho biết: Tôi không ngờ phản ứng của dấu hiệu sinh học lại mạnh đến vậy, điều đó cho thấy cây xanh thực sự có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe.
Giáo sư Bhatnagar và nhóm nghiên cứu tin rằng chính nhờ cây xanh có khả năng lọc ô nhiễm không khí và biện pháp trồng cây dường như làm giảm các dấu hiệu viêm ở những người sống trong các khu vực này.
Giáo sư Bhatnagar cho biết: Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất trong tất cả các nghiên cứu về cây xanh và tác động của chúng đến sức khỏe.
Bình luận (0)