Phát hiện đường ống xả thải, nhưng không xác định được thủ phạm 'đầu độc sông Mã'

15/07/2021 16:19 GMT+7

Cho đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vẫn không tìm ra được thủ phạm gây ô nhiễm cho sông Mã , dù đã xác định được 4 đơn vị chôn đường ống xả thải trái phép ra sông

Không xác định được thủ phạm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, vừa ký 11 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 1,8 tỉ đồng đối với 11 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chuyên sản xuất đũa, bột giấy, vãng mã dọc sông Mã. 
Trong đó, trên địa bàn H.Bá Thước (Thanh Hóa) có 2 doanh nghiệp, số còn lại nằm trên địa bàn H.Quan Hóa (Thanh Hóa). Các quyết định xử phạt căn cứ vào kiến nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, do Sở TN-MT Thanh Hóa chủ trì.

Có 4/11 cơ sở chế biến lâm sản chôn đường ống xả thải trái phép ra sông Mã

ẢNH MINH HẢI

Đáng chú ý, trong số 11 cơ sở chế biến lâm sản vi phạm, có 4 cơ sở bị phát hiện và lập biên bản về hành vi chôn đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã. Đó là các cơ sở: HTX Hà Long (bản Chăm, xã Phú Nghiêm, H.Quan Hóa); HTX Hợp Phát (bản Cổi Khiêu, xã Phú Nghiêm, H.Quan Hóa); HTX Xuân Dương (ở bản Khằm, TT.Hồi Xuân, H.Quan Hóa) và Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (ở TT.Cành Nàng, H.Bá Thước).
Những vi phạm của 4 cơ sở trên được xem là căn cứ để có thể khởi tố vụ án hình sự để điều tra, làm rõ về nguyên nhân sông Mã bị ô nhiễm kéo dài từ ngày 15.3 đến cuối tháng 4, nhưng cuối cùng, các cơ sở này cũng chỉ bị phạt hành chính từ 120 - 300 triệu đồng/cơ sở. 
Lỗi chung mà các doanh nghiệp, HTX trên bị phát hiện đều có hành vi lắp đặt đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã. Tuy nhiên, kết luận lại không khẳng định từ hành vi xả nước thải trái phép, các cơ sờ này đã gây ô nhiễm sông Mã, nên các cơ quan chức năng cũng không truy đến trách nhiệm khắc phục tình trạng sông Mã ô nhiễm, hoặc đền bù những thiệt hại do sông bị ô nhiễm.

Sông Mã bị ô nhiễm đã gây thiệt hại quá lớn cho hàng ngàn người dân sống bằng nghề khai thác thủy sản trên sông

ẢNH MINH HẢI

Riêng 7 đơn vị còn lại, tuy không phát hiện hành vi chôn đường ống xả thải trái phép ra sông Mã, nhưng cũng đã mắc nhiều lỗi vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, như không thu gom, xử lý chất thải rắn đúng theo quy định; không lắp hệ thống giám sát xử lý chất thải…
Cụ thể, Công ty TNHH Duyệt Cường (bản Chăm, xã Phú Nghiêm, H.Quan Hóa) bị phạt 160 triệu đồng; Công ty TNHH đầu tư - Phát triển Hạnh Nguyễn (Cụm công nghiệp Xuân Phú, xã Phú Nghiêm) bị phạt 130 triệu đồng; Công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân (ở bản Khằm, TT.Hồi Xuân, H.Quan Hóa) bị phạt 110 triệu đồng; HTX chế biến lâm sản Quan Hóa (bản Chăm, xã Phú Nghiêm) bị phạt 175 triệu đồng; HTX chế biến lâm sản sông Mã (cả cơ sở 1 và cơ sở 2; đều ở bản Cang, xã Phú Nghiêm) bị phạt tổng số tiền 340 triệu đồng; và Công ty TNHH sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn (ở thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế, H.Bá Thước) bị phạt 160 triệu đồng.

Sai phạm nhiều năm, nhưng không bị xử lý

Ngoài các vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nêu trên, 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất lâm sản nêu trên còn mắc nhiều vi phạm trong xây dựng các công trình, nhà xưởng.
Các vi phạm về xây dựng cũng đã được Đoàn kiểm tra liên ngành làm rõ, xác định nhiều doanh nghiệp xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, xây dựng trái phép hàng ngàn mét vuông. Các công trình vi phạm đã được xây dựng và tồn tại nhiều năm qua, mà không bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định, dù năm nào chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng kiểm tra, giám sát tại các cơ sở này.
Toàn bộ các công trình xây dựng vi phạm, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các doanh nghiệp, HTX phải tháo dỡ trong thời gian 30 ngày.

Hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm, sai phép tồn tại nhiều năm không bị xử lý

ẢNH MINH HẢI

Ngày 15.7, trao đổi với PV, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi phạt hành chính đối với các vi phạm về bảo vệ môi trường, và yêu cầu tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, nếu đơn vị nào đủ điều kiện hoạt động thì mới cho hoạt động trở lại, còn không đảm bảo thì không được hoạt động, đặc biệt là ở khu vực dọc sông Mã.
“Nhìn chung trong các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã ở H.Bá Thước và Quan Hóa, nếu để họ đảm bảo đúng các quy định về diện tích, trật tự xây dựng công trình… thì chỉ có 1 - 2 đơn vị là có thể đảm bảo. Còn lại đều ở khu vực diện tích hẹp, khó đầu tư đầy đủ các hệ thống sản xuất, xử lý chất thải nên sẽ khó để đảm bảo quy định. Lần này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành rất quyết liệt để xử lý gọn mọi sai phạm, vì các sai phạm là nhiều, và đã tồn tại từ lâu. Có xử lý như vậy, sông Mã mới được đảm bảo về môi trường lâu dài được”, ông Giang nói.

Cuối cùng, người dân phải chịu hậu quả do sông Mã bị ô nhiễm

ẢNH MINH HẢI

Về vấn đề xác định đơn vị gây ô nhiễm sông Mã, và xác định trách nhiệm đối với những thiệt hại xảy ra do sông bị ô nhiễm, ông Giang cho biết dù có nhiều đơn vị có hành vi chôn đường ống xả thải trái phép, nhưng không thể kết tội họ là thủ phạm gây ô nhiễm được.
“Việc xác định hành vi gây ô nhiễm sông Mã là đơn vị nào, cá nhân nào thì phải theo quy định, chứng cứ đầy đủ. Có thể là phải bắt quả tang, xác định số lượng chất thải gây ô nhiễm đến mức độ nào… nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, điều tra thì không bắt được quả tang. Trong thời gian vừa qua, lực lượng công an cũng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ rồi, kết quả chỉ đủ cơ sở để xử lý hành chính”, ông Giang cho hay.
Như vậy, số lượng hơn 60 tấn cá lồng của người dân bị chết do nước sông Mã ô nhiễm, cũng như hàng ngàn người dân mưu sinh trên sông Mã bị mất nguồn lợi khai thác sẽ không có đơn vị nào chịu trách nhiệm, do không tìm ra thủ phạm "đầu độc" dòng sông.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.