Phát hiện hàng loạt văn tự cổ, đạo sắc cổ ở Hà Tĩnh

05/07/2012 19:55 GMT+7

(TNO) Chiều 5.7, ông Hồ Bách Khoa, quyền Trưởng ban quản lý khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cho biết, nhóm khảo cứu của ban vừa phát hiện một số văn tự cổ thời Lê và Nguyễn.

Hàng loạt văn tự cổ, đạo sắc cổ xuất hiện tại Hà Tĩnh
Một trong số các nội dung văn tự cổ vừa phát hiện tại H.Can Lộc, Hà Tĩnh

Theo đó, số văn tự cổ trên được phát hiện tại nhà thờ cụ Nguyễn Bật Lãng, làng Mật Thiết, xã Kim Lộc, H.Can Lộc, gồm 15 bản văn tự cổ được viết bằng chữ Hán trên giấy dó với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét.

Theo ông Khoa, số văn tự là các sắc chỉ được ban hành dưới các triều vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), trong đó có sắc chuẩn bổ chức cho ông Nguyễn Thoan và Nguyễn Nhạ (người làng Nguyệt Úc, tổng Lai Thạch, H.La Sơn, phủ Đức Thọ, Nghệ An) nay là làng Mật Thiết, xã Kim Lộc, H.Can Lộc (Hà Tĩnh) giữ các chức vụ trong đội quân của nhà Nguyễn ở Cao Bằng và Nghệ An.

Cũng tại đây, nhóm phát hiện thêm 13 đạo sắc cổ có niên đại thời Lê và thời Nguyễn phong thần cho Nguyễn Bật Lãng và Nguyễn Hành. Số sắc phong này phần lớn đã bị rách nát và từ trước tới nay do con cháu hậu duệ của cụ Nguyễn Bật Lãng lưu giữ.

“Đây là nguồn tư liệu văn tự Hán cổ có giá trị quý hiếm, góp phần tìm hiểu nghiên cứu về các nhân vật có công đánh giặc giữ nước và những người đỗ Đại khoa trong các khoa thi tiến sĩ thời Lê ở Hà Tĩnh”, ông Khoa cho biết thêm.

Tin, ảnh: Trương Hoa

>> Hiến tặng bức sắc phong cổ cho bảo tàng
>> 44 năm gìn giữ sắc phong cổ
>> Vĩnh Phúc tìm thấy 750 đạo sắc phong cổ
>> Phát hiện thêm một số bản văn tự cổ thời Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.