Hóa thạch xương hàm này có lẽ thuộc về loài bò sát biển lớn nhất được biết đến trên trái đất – có niên đại khoảng 202 triệu năm trước.
Hai cha con Ruby và Justin Reynolds tìm thấy bộ xương vào tháng 5.2020 trên một bãi biển ở vùng Somerset (tây nam nước Anh). Họ đã liên hệ với nhà cổ sinh vật học Dean Lomax, người cho biết thợ săn hóa thạch Paul de la Salle đã tìm thấy một khúc xương tương tự ngay dưới bờ biển 4 năm trước đó.
“Chúng tôi đã mô tả xương mà ông Paul tìm thấy vào năm 2018 trong một nghiên cứu là một xương hàm khổng lồ khác thường, một phần của xương hàm ngay phía sau hàm của một con ichthyosaur.”
Các nhà nghiên cứu hôm 17.4 cho biết xương mà cô Reynolds tìm được cũng là của một loài ichthyosaur. Việc phát hiện ra xương hàm thứ hai xác nhận sự tồn tại của một loài mới chưa từng được biết đến trước đây.
“Dựa trên hình dạng độc đáo, nhiều cấu trúc khác nhau, thực tế là cả hai hóa thạch đều có từ cuối kỷ Tam điệp, khoảng 202 triệu năm trước, hỗ trợ xác định một thứ hoàn toàn mới đối với khoa học, mà chúng tôi đặt tên là cho loài mới là Ichthyotitan severnensis”.
Ichthyotitan severnensis được cho là dài từ 22 đến 26m. Điều đó có nghĩa là nó sẽ sánh ngang với loài động vật lớn nhất từng tồn tại là cá voi xanh, có thể dài tới 30m.
“Không có loài bò sát biển nào có kích thước lớn như những loài động vật này”.
Loài bò sát biển khổng lồ này có niên đại muộn hơn 13 triệu năm so với bất kỳ loài bò sát biến nào được biết đến cho đến nay.
Các nhà nghiên cứu tin rằng chúng có thể sống sót cho đến khi xảy ra sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên khắp trái đất, vào khoảng 201 triệu năm trước.
“Rất đáng chú ý khi nghĩ rằng những con ichthyosaur khổng lồ có kích thước bằng cá voi xanh đang bơi ngoài đại dương vào khoảng thời gian khủng long đang đi trên đất liền ở khu vực ngày nay là Vương quốc Anh trong kỷ Tam điệp. Những xương hàm này cung cấp bằng chứng cho thấy rằng có lẽ một ngày nào đó, hi vọng một hộp sọ hoàn chỉnh hoặc một bộ xương có thể được tìm thấy. Bạn không nói trước được”.
Bình luận (0)