Phát hiện hóa thạch khủng long con cuộn mình trong trứng

22/12/2021 14:36 GMT+7

Các nhà khoa học cho hay hóa thạch chưa từng có của một bào thai khủng long trước thời điểm phá vỡ vỏ trứng đang hé lộ thông tin về mối liên hệ giữa loài khủng long và loài chim.

Mô phỏng hình ảnh bào thai khủng long trước thời điểm phá trứng

Darla Zelenitsky

Hóa thạch, niên đại từ 66 đến 72 triệu năm, đang lưu giữ bộ xương của phôi loài khủng long Oviraptor trước thời điểm phá trứng. Oviraptor tên tiếng La tinh có nghĩa là “kẻ trộm trứng”. Hóa thạch được đặt tên “con non Anh Lương”, theo tên viện bảo tàng đang lưu giữ nó.

Bà Darla Zelenitsky, Trợ lý giáo sư Đại học Calgary (Canada), cho hay xương của khủng long sơ sinh nhỏ và yếu. Đến nay, thế giới chỉ sở hữu vài hóa thạch dạng này. Vì thế, hóa thạch “con non Anh Lương” là phát hiện vô cùng hiếm.

Phôi thai khủng long hoàn hảo trong trứng hóa thạch

“Thật sự là mẫu vật tuyệt vời… Tôi dành 25 năm qua để nghiên cứu trứng khủng long và chưa từng chiêm ngưỡng mẫu vật tương tự”, theo bà Zelenitsky, đồng tác giả báo cáo đăng trên chuyên san iScience.

“Đến nay, có rất ít thông tin về bào thai khủng long trước thời điểm phá trứng, do không có nhiều hóa thạch dạng này, nhất là ở dạng hoàn chỉnh và được bảo quản trong tư thế sống động đến thế”, Đài CNN dẫn lời nhà nghiên cứu.

Hoạch thạch "con non Anh Lương"

Trứng hóa thạch có chiều dài khoảng 17 cm, và bào thai khủng long ước tính dài 27 cm nếu đo từ đầu đến đuôi. Trong khi đó, khủng long trưởng thành đạt kích thước từ 2 đến 3 m.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc, Anh, Canada đã tham gia vào dự án “con non Anh Lương”. Họ kết luận loài khủng long di chuyển và thay đổi tư thế trước khi phá trứng như các loài chim hiện đại.

Toàn bộ các loài chim đều tiến hóa trực tiếp từ nhóm khủng long đứng trên hai chi tên theropod, trong đó bao gồm các thành viên khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus rex).

Tìm ra loài khủng long thân giáp có đuôi như vũ khí của người Aztec

Hóa thạch được phát hiện ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) và từ năm 2000 thuộc sở hữu của Tập đoàn Anh Lương. Nó bị cất vào kho và hầu như chìm vào quên lãng cho đến khi được phát hiện 10 năm sau đó. Từ đó hóa thạch được bảo quản ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên về Đá Anh Lương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.