Phát hiện hóa thạch rùa khổng lồ

Khánh An
Khánh An
14/02/2020 10:00 GMT+7

Loại rùa này từng sống ở đáy các sông hồ lớn ở Nam Mỹ cách đây 5 - 10 triệu năm.

Theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Science Advances ngày 13.2, các nhà khoa học vừa phát hiện hóa thạch loài rùa khổng lồ có kích cỡ bằng chiếc xe sedan từng sống ở đáy các sông hồ lớn ở Nam Mỹ cách đây 5 - 10 triệu năm.
Đại học Zurich (Thụy Sĩ) ra thông cáo cho hay nhóm nghiên cứu vừa tìm thấy nhiều mảnh hóa thạch của loài rùa Stupendemys geographicus tại Venezuela và Colombia.
Theo ông Marcelo Sanchez, Giám đốc Bảo tàng và Viện Cổ sinh vật học thuộc Đại học Zurich dẫn đầu nhóm nghiên cứu, chiếc mai dài gần 3 m cho thấy đây là loài rùa lớn nhất từng được phát hiện.

[VIDEO] Loài "rùa chiến binh" to bằng xe hơi từng lang thang trên trái đất

Dựa trên các hóa thạch mai và xương hàm, các chuyên gia cho rằng loài rùa này có thể nặng đến hơn 1.250 kg, gấp gần 100 lần so với họ hàng còn sống đến ngày nay là loài rùa sông Amazon và gấp đôi loài rùa lớn nhất còn sống là rùa da.
Bên cạnh đó, hóa thạch cho thấy đầu trước trên mai của rùa đực có hình dáng như chiếc sừng, được cho là dùng để chiến đấu với những con đực khác.
Hóa thạch của loài rùa này từng được phát hiện vào khoảng năm 1970 nhưng vẫn ẩn chứa nhiều nghi vấn chưa được giải thích. Hóa thạch mới nhất đầy đủ hơn, giúp các chuyên gia đưa ra giả thuyết chúng từng ăn cá, rắn, cá sấu, các loài nhuyễn thể, trái cây và cỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.