Hộp sọ mới tìm thấy ở Hồ Bắc, Trung Quốc đã được khai quật một phần |
chụp màn hình south china morning post |
Báo Hubei Daily ngày 28.9 đưa tin hộp sọ trên được các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ở huyện Vân, tỉnh Hồ Bắc. Đây là hộp sọ 1 triệu năm tuổi hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở lục địa Á-Âu. Hóa thạch này cung cấp cơ sở quan trọng để tìm hiểu mô hình tiến hóa của người cổ đại và nguồn gốc của loài Homo erectus ở Đông Á.
Hộp sọ này được tìm thấy tại địa điểm mà hai hộp sọ khác cùng niên đại được khai quật cách đây hơn 30 năm. Tuy nhiên, hộp sọ mới nhất gần như hoàn chỉnh, trong khi 2 hộp sọ trước đó bị biến dạng trong quá trình hóa thạch.
Cho đến nay, xương trán, xương lệ và các phần khác của hộp sọ đã được khai quật. Phần còn lại của hóa thạch dự kiến được khai quật trước tháng 11.
Các nhà khảo cổ hy vọng khám phá mới sẽ cung cấp thông tin chính xác hơn về khuôn mặt và hộp sọ của con người vào thời điểm đó, với các đặc điểm giải phẫu rõ ràng hơn. Hộp sọ cũng có thể cung cấp thông tin khoa học quan trọng về khối lượng não, các giai đoạn tiến hóa và đặc điểm dân số trong khu vực.
Ông Lu Chengqiu, trưởng nhóm khai quật và là nhà nghiên cứu của Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ Hồ Bắc, cho biết nhóm đã khai quật được một số lượng lớn hóa thạch động vật và các công cụ bằng đá gần hộp sọ.
“Hộp sọ số 3 bị chôn vùi ở cùng môi trường với 2 hộp sọ trước đó, vì vậy 3 hộp sọ này phải cùng niên đại”, chuyên gia này nói. Ông Lu cho biết hộp sọ mới sẽ được định tuổi bằng đồng vị phóng xạ carbon.
Theo các nhà khảo cổ học, phát hiện này có giá trị nghiên cứu lớn vì nó xóa đi khoảng trống trong quá trình tiến hóa của loài người ở Đông Á.
“Có rất ít hóa thạch khoảng 1 triệu năm tuổi của loài người. Ở Trung Quốc và Đông Á, những hóa thạch duy nhất trên 1 triệu năm tuổi là Người Nguyên Mưu, 1,7 triệu năm tuổi, và Người Lam Điền, khoảng 1,6 triệu-1,2 triệu năm tuổi”, đài truyền hình nhà nước CCTV ngày 28.9 dẫn lời ông Gao Xing, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.
Một số lượng lớn hóa thạch động vật và các sản phẩm bằng đá cũng được khai quật tại khu vực này. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy người cổ đại ở huyện Vân là những thợ săn và người làm công cụ lành nghề.
“Trong cùng lớp đất với hộp sọ, một số lượng lớn các hóa thạch động vật có vú đã được khai quật, hầu hết là tê giác, voi, ngựa và hươu”, ông Gao nói.
Họ hàng voi 12.000 năm trước to cỡ nào? |
Mặc dù hầu hết hóa thạch động vật là động vật ăn cỏ lớn, một số hóa thạch động vật ăn thịt cũng được phát hiện, bao gồm báo hoa mai và hổ. Các công cụ bằng đá, có thể được sử dụng để săn bắn và cắt động vật, cũng được tìm thấy. “Đây là bằng chứng cho thấy người ở huyện Vân đã ăn thịt nhiều loài động vật ăn cỏ lớn”, ông Gao nói thêm.
Bình luận (0)