Theo đó, không phải ngủ 5 - 6 tiếng là đủ để tốt cho sức khỏe, mà cần phải ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.Và ngay cả thiếu ngủ 1 - 2 đêm cũng ảnh hưởng xấu đến nhịp tim và huyết áp và không thể "bù" lại được, theo tờ Indian Express.
Trong nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học bang Pennsylvania, Mỹ, thực hiện, có 15 nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 35 tham gia, được theo dõi trong 10 ngày như sau.
Trong 3 đêm đầu tiên, những người tham gia ngủ tối đa 10 giờ mỗi đêm. Trong 5 đêm tiếp theo, họ ngủ hạn chế ở mức 5 giờ mỗi đêm, sau đó là 2 đêm phục hồi - ngủ tối đa 10 tiếng mỗi đêm.
Các nhà nghiên cứu đã đo nhịp tim và huyết áp của người tham gia sau mỗi 2 giờ.
Kết quả đã phát hiện cả nhịp tim và huyết áp của những người tham gia đều tăng lên mỗi ngày và không về mức cơ bản vào cuối giai đoạn phục hồi.
Có nghĩa là ngay cả thiếu ngủ trong thời gian ngắn, rồi được "ngủ bù" bằng 2 đêm ngủ ngon đủ giấc, cũng không đủ để giảm huyết áp và nhịp tim tăng cao do thức đêm, theo Indian Express.
Tác hại của thiếu ngủ
Tiến sĩ Sandeep Bansal, khoa Tai mũi họng và Phẫu thuật đầu cổ, PGIMER, Chandigarh (Ấn Độ), cho biết theo thời gian, thiếu ngủ sẽ gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch và huyết áp cao.
Cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi đêm?
Theo bác sĩ Virendar Sarwal, khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện IVY, Mohali (Ấn Độ), thời lượng giấc ngủ có thể khác nhau tùy vào độ tuổi, thể trạng từng người và môi trường, nhưng cần ngủ từ 7 - 9 giờ, theo Indian Express.
Các bác sĩ tim mạch giải thích: Một số hoóc môn chỉ được giải phóng trong giấc ngủ đêm và thiếu ngủ làm giảm các hoóc môn này, dẫn đến tăng huyết áp, nhịp tim, tăng cân và kháng insulin.
Thiếu ngủ cũng làm tăng hoóc môn căng thẳng, tình trạng viêm và suy giảm chức năng lớp lót bên trong động mạch ảnh hưởng xấu đến tim mạch, làm tăng xơ vữa động mạch và đau tim.
Bình luận (0)