Mô phỏng một vụ nổ kilonova trong không gian xa xôi của vũ trụ |
NASA / CXC / M. Weiss |
Trên trái đất, mỗi khi máy bay bứt phá ngưỡng tốc độ âm thanh, nó sẽ tạo ra một tiếng nổ lan tỏa khắp hướng, gọi là vụ nổ siêu thanh.
Cách đây hơn 3 năm, đài quan sát của NASA đã ghi nhận hiện tượng tương tự, nhưng lần này cách trái đất khoảng 130 triệu năm ánh sáng. Vụ nổ bí ẩn lập tức thu hút sự chú ý của các chuyên gia và được đặt tên là GW170817.
Đây có thể là quầng sáng xuất phát từ một vụ nổ kilonova, dẫn đến sự hợp nhất của hai sao neutron hoặc một hố đen sau khi “ngấu nghiến” con mồi. Trong đó, sao neutron có kích thước nhỏ nhất và có mật độ cao nhất trong số những ngôi sao của vũ trụ.
Mới đây, trong báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học Mỹ cho rằng họ có thể lần đầu tiên chứng kiến một quầng sáng sau vụ nổ kilonova, hoặc một hố đen mới toanh vừa xử lý xong “bữa ăn” đầu tiên.
“Chúng ta đang tiến vào lĩnh vực chưa từng khai phá trước đây trong việc nghiên cứu chuyện gì xảy ra sau khi sao neutron hợp nhất”, theo cô Aprajita Hajela, sinh viên cao học ngành vật lý học thiên thể của Đại học Tây Bắc và là tác giả chính của báo cáo mới.
Đài quan sát tia X Chandra lần đầu tiên ghi nhận tín hiệu từ GW170817 vào đầu năm 2018. Trong quá trình quan sát, các chuyên gia phát hiện tín hiệu yếu dần theo thời gian. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, họ bất ngờ khi thấy tín hiệu mạnh lên, phản ánh sự xuất hiện của một quầng sáng ổn định xuất phát từ hướng của GW170817.
Các chuyên gia cho rằng có thể họ đang chứng kiến hiện tượng quầng sáng xuất hiện sau vụ nổ kilonova, theo đó sóng xung kích đốt nóng những vật chất còn sót lại sau vụ hợp nhất giữa hai sao neutron.
Còn theo một kịch bản khác, đài quan sát tia X Chandra đã bắt được tín hiệu xuất phát từ vật chất rơi vào miệng một hố đen vừa hình thành.
Tiến sĩ Joe Bright, đồng tác giả báo cáo, cho rằng dù thế nào đi chăng nữa, con người cũng đang chứng kiến hiện tượng lần đầu tiên quan sát được từ trái đất.
Bình luận (0)