Ngày 1.7, TS Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (VQG), cho biết từ tháng 10.2019, VQG hợp tác với Viện Sinh thái học miền Nam (SIE) và Viện Nghiên cứu động vật hoang dã Leibniz (Leibniz-IZW) thực hiện khảo sát bẫy ảnh trong VQG, phát hiện ít nhất 21 loài thú, trong đó có 7 loài đang bị đe dọa toàn cầu.
Theo ông Hương, phát hiện quan trọng nhất là hàng loạt ghi nhận về loài mang lớn (Muntiacus vuquangensis), loài thú móng guốc chỉ có thể được tìm thấy ở dãy Trường Sơn và được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách đỏ IUCN.
|
Cùng với mang lớn, các bẫy ảnh đã chụp được hình ảnh một loài đặc hữu khác của dãy Trường Sơn là cầy vằn (Chrotogale owstoni), loài thú ăn thịt nhỏ có bộ lông rất nổi bật và đang gần tuyệt chủng, do nạn săn bắt tràn lan.
Nhiều hình ảnh của loài gấu chó (Helarctos malayanus) được ghi nhận, mặc dù gấu chó khá phổ biến ở các trại nuôi gấu ở Việt Nam, nhưng loài này rất hiếm trong các khu rừng ở nước ta.
Thêm một phát hiện bất ngờ là hình ảnh về cá thể nhím bạch tạng, dù nhím tương đối phổ biến ở hầu hết các khu bảo tồn của Việt Nam, nhưng một cá thể nhím màu trắng là hiện tượng hết sức hiếm.
Cũng theo TS Hương, mặc dù khảo sát chỉ mới hoàn thành được một phần, nhưng kết quả ban đầu cho thấy VQG có mức độ đa dạng các loài thú rất cao, nhiều loài thú quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vẫn sinh sống trong VQG, mang đến hy vọng cho việc bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của Bidoup - Núi Bà.
Bình luận (0)