Các công tố viên mở cuộc điều tra ông Bashir về cáo buộc rửa tiền và sở hữu trái phép một số lượng lớn ngoại tệ.
Hãng tin AP dẫn lời một nguồn tin tiết lộ lực lượng tình báo quân đội đã lục soát nhà của ông Bashir và phát hiện các vali chứa 2 loại ngoại tệ: 351.000 USD, 6 triệu euro (tương đương 6,7 triệu USD). Ngoài ra còn có các vali chứa 5 tỉ bảng Sudan (105 triệu USD), nhưng một số hãng tin khác cho rằng chỉ có 5 triệu bảng Sudan (150.000 USD).
Gia đình ông Bashir nói ông đang bị giam tại dinh Tổng thống sau cuộc đảo chính và hồi tuần rồi được chuyển đến nhà tù Kobar ở thủ đô Khartoum.
“Các công tố viên yêu cầu thẩm vấn để chuẩn bị đưa ông Bashir ra tòa xét xử”, theo nguồn tin của Reuters. Hai người anh em của cựu Tổng thống bị cũng bắt giữ với cáo buộc tham nhũng.
Cuộc đảo chính diễn ra sau khi hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ khắp Sudan kể từ tháng 12.2018 nhằm phản đối chính phủ tăng giá thực phẩm và cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến thiếu tiền mặt và nhiêu liệu.
Theo các số liệu chính thức, ít nhất 39 người biểu tình thiệt mạng kể từ tháng 12.2018. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng có đến 60 người chết.
|
Hội đồng quân sự đang điều hành đất nước và hứa hẹn trong vòng 2 năm tới sẽ tiến hành bầu cử để thành lập chính phủ dân sự.
Tuy nhiên, Hiệp hội Các chuyên gia Sudan, tổ chức lãnh đao các cuộc biểu tình, đang đòi hỏi phải sớm bàn giao quyền lực cho nhân dân. Các cuộc đàm phán giữa phe đối lập, thủ lĩnh biểu tình và hội đồng quân sự đến nay vẫn bế tắc.
Trước đó, Hiệp hội Các chuyên gia Sudan đã yêu cầu hội đồng quân sự phải đưa ông Bashir ra tòa xét xử về tội tham nhũng.
Ngoài ra, ông Bashir từng bị Tòa Hình sự Quốc tế buộc tội và đang đối mặt với lệnh truy nã trước cáo buộc diệt chủng tại vùng Darfur (Sudan) trong cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm 2003, khiến khoảng 300.000 người chết.
Ông từng là lính nhảy dù và lên cầm quyền sau cuộc đảo chính không đổ máu hồi năm 1989. Trong suốt 30 năm lãnh đạo, ông Bashir cố vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng nội bộ và chống lại nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu chính phủ.
Sudan rơi vào tình trạng bị cô lập trong khoảng thời gian dài kể từ năm 1993, khi đó Mỹ đã liệt chính phủ ông Bashir vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Bốn năm sau đó, Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Sudan.
Bình luận (0)