Trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf tuyên bố ông Bashir (75 tuổi) đang bị giam giữ tại “nơi an toàn” và hội đồng quân sự sẽ điều hành đất nước trong vòng 2 năm tới trước khi tiến hành bầu cử.
Ông Awad Ibnouf đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, lệnh ngừng bắn toàn quốc, hiến pháp tạm thời ngưng hiệu lực, đóng cửa không phận trong 24 giờ, đóng cửa biên giới cho đến khi có thông báo tiếp theo và áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Reuters dẫn lời các nguồn tin tiết lộ ông Bashir đang bị giam lỏng trong dinh tổng thống.
|
Hàng ngàn người tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ tập trung bên ngoài tòa nhà Bộ Quốc phòng trong ngày 11.4. Đám đông xuống đường ở trung tâm thủ đô Khartoum, hô hào khẩu hiệu chống đối ông Bashir. “Chính phủ sụp đổ, chúng tôi giành chiến thắng”, người biểu tình hô hào khẩu hiệu. Tuy nhiên, người biểu tình yêu cầu thành lập chính phủ dân sự và không chấp nhận chính quyền quân sự. Binh sĩ được triển khai dày đặc quanh Bộ Quốc phòng cùng những tuyến đường lớn ở thủ đô Khartoum.
Tại thành phố Port Sudan và Kassala (phía đông Sudan), người biểu tình tấn công lực lượng an ninh và tình báo. Ít nhất 11 người thiệt mạng, bao gồm 6 thành viên lực lượng an ninh, sau những vụ đụng độ. Trước đó, lực lượng an ninh tuyên bố sẽ phóng thích tất cả tù nhân chính trị.
|
Cuộc khủng hoảng mới đây leo thang kể từ cuối tuần rồi, khi đó hàng ngàn người biểu tình bắt đầu đóng chốt bên ngoài tòa nhà Bộ Quốc phòng, cũng là nơi đặt dinh tổng thống. Kể từ tháng 12.2018, hàng loạt cuộc biểu tình bùng nổ khắp Sudan nhằm phản đối chính phủ tăng giá thực phẩm và cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đến thiếu tiền mặt và nhiêu liệu.
Ông Bashir từng bị Tòa Hình sự Quốc tế buộc tội và đang đối mặt với lệnh truy nã trước cáo buộc diệt chủng tại vùng Darfur (Sudan) trong cuộc nổi dậy bắt đầu vào năm 2003, khiến khoảng 300.000 người chết. Ông từng là lính nhảy dù và lên cầm quyền sau cuộc đảo chính không đẫm máu hồi năm 1989. Trong suốt nhiều năm qua, ông Bashir cố vượt qua hàng loạt cuộc khủng hoảng nội bộ và chống lại nỗ lực của phương Tây nhằm làm suy yếu chính phủ.
Sudan rơi vào tình trạng bị cô lập trong khoảng thời gian dài kể từ năm 1993, khi đó Mỹ đã liệt chính phủ ông Bashir vào danh sách các nước tài trợ khủng bố. Bốn năm sau đó, Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Sudan.
Bình luận (0)