Hãng AFP ngày 11.6 đưa tin các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy một tác phẩm điêu khắc chim được làm từ xương cháy có niên đại 13.500 năm, được cho là tượng chim cổ xưa nhất tại Đông Á.
Theo chuyên gia Francesco D'Errico tại Đại học Bordeaux (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, tác phẩm điêu khắc nhỏ này có thể là bằng chứng cho một “mắt xích bị thiếu” trong kiến thức trước nay của giới khoa học về nghệ thuật thời tiền sử.
Bức tượng nhỏ được tìm thấy trong tình trạng hầu như nguyên vẹn tại một địa điểm khảo cổ thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), được làm từ xương thú và dùng đá điêu khắc.
|
“Phát hiện này cho thấy truyền thống nghệ thuật ban đầu và có niên đại xa hơn đến 8.500 năm so với các tượng chim từng được tìm thấy tại Trung Quốc. Nó có thể là mắt xích bị thiếu về tượng ở khu vực này vào thời đố đá”, theo các nhà nghiên cứu.
Nghiên cứu do các nhà khảo cổ tại Đại học Sơn Đông (Trung Quốc) dẫn đầu, với các chuyên gia Pháp, Israel và Na Uy. Chuyên gia Lý Chiêm Dương tại Đại học Sơn Đông đã khảo cổ khu vực này từ năm 2005 và từng phát hiện nhiều đồ gốm, xương động vật và các công cụ từ thời tiền sử tại đây.
Bình luận (0)